Toàn cảnh công trình Triệu Miếu – Đại Nội, Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Dự án bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Miếu được khởi công ngày 10/6/2014. Công trình do Phân viện khoa học công nghệ xây dựng miền Trung thuộc Viện Khoa học công nghệ xây dựng thi công, với sự tham gia của đội ngũ các nghệ nhân và thợ lành nghề, các cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn, trùng tu di tích.
Triệu Miếu là một trong năm miếu thờ quan trọng của triều Nguyễn. Di tích này được xây dựng sớm nhất trong Hoàng thành Huế (1804), nơi thờ Ngài Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim – Tổ của 9 đời chúa Nguyễn và các đời Hoàng đế triều Nguyễn sau này.
Trải qua hơn 200 năm, công trình rất ít được tu sửa; lần trùng tu gần nhất cách đây hơn 30 năm (giai đoạn 1983-1985), cộng với nhiều tác động của thời tiết khắc nghiệt ở Huế, sự hủy hoại của chiến tranh, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Dự án góp phần lưu giữ và khẳng định bản sắc văn hóa cung đình Nguyễn xưa, vốn là triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam; đồng thời, góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của điểm đến du lịch Hoàng cung Huế.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết ngoài vốn đầu tư của nhà nước, sự tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ thông qua Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Triệu Miếu là rất ý nghĩa cho công tác bảo tồn di sản văn hóa Huế, góp phần bảo tồn, tu bổ hoàn chỉnh tổng thể miếu thờ, trả lại vẻ đẹp vốn có của một công trình kiến trúc đẹp, mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và mỹ thuật đặc sắc của triều Nguyễn.
Đây là dự án thứ hai được Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ tài trợ tiếp theo sau thành công của dự án Bảo tồn, phục chế các Án thờ Hoàng gia Triệu Miếu, Đại Nội Huế được thực hiện kể từ năm 2015 đến nay.
Cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức triển lãm “Huế: Một điểm đến-Năm di sản.” Năm di sản bao gồm: Quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam-Nhã nhạc (triều Nguyễn) được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của Nhân loại (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Đáng chú ý, triển lãm đã giới thiệu các hình ảnh về các di sản cùng một số hiện vật như phiên bản mộc bản, châu bản; các loại nhạc cụ nhã nhạc, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu và khách du lịch tham quan, chiêm ngưỡng…/.