Ảnh minh họa. (Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Theo đó, đối tượng mà dự án hướng tới là 53 dân tộc thiểu số trong đó ưu tiên các dân tộc có số dân dưới 10.000 người, dưới 5.000 người ở các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Son La, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, An Giang, Sóc Trăng.
Đề án đưa ra các mục tiêu cụ thể ở từng giai đoạn. Sau khi kết thúc dự án xây dựng được 15 mô hình phát triển kinh gắn với phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát triển 20 nghề thủ công truyền thống; bảo tồn và phát triển 20 lễ hội, 15 trò chơi dân gian, 30 đội văn nghệ, 10 nhà trưng bày tạo sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; các di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo; xây dựng mới từ 200 – 500 sản phẩm du lịch văn hóa; tổ chức 20 lớp tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ làm du lịch cho đồng bào dân tộc thiểu số; mở 05 tour, tuyến du lịch; tổ chức 05 sự kiện văn hóa, ước tính thu hút từ 5.000 – 1.000.000 lượt khách du lịch/điểm/năm.
Nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 1,5 – 4,5 triệu đồng/tháng. Cơ sở vật chất hạ tầng được đầu tư nâng cấp; đời sống kinh tế của người dân từng bước được nâng lên.
Thu hút doanh nghiệp lữ hành du lịch tham gia xây dựng các mô hình phát triển du lịch bền vững vùng dân tộc thiểu số; tăng cường hỗ trợ vốn đầu tư từ Nhà nước, thu hút xã hội hóa nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế.
Ngoài hiệu quả kinh tế trên, hiệu quả xã hội to lớn của dự án cũng được nêu ra. Đó là các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của người dân được bảo tồn và phát huy; các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao của đồng bào ngày càng đa dạng và phong phú; vai trò chủ thể văn hóa và đời sống của người dân ngày càng được nâng lên; văn hóa truyền thống của các dân tộc được giới thiệu, quảng bá trong và ngoài nước…
Các công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo thường xuyên, trở thành những điểm tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa hấp dẫn của nhân dân địa phương và khách du lịch.
Nhiều giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được tôn vinh trở thành những di sản văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của dân tộc, từ đó người dân ngày càng có ý thức hơn trong việc gìn giữ, trao truyền và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Đẩy mạnh và tăng cường xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch để đáp ứng nhu cầu tham gia, thưởng thức các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và du khách./.