Theo sử sách ghi lại, chùa Trông được xây dựng vào khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ 11, thời Vua Lý Nhân Tông (1010-1225) và được trùng tu tôn tạo vào thời Hậu Lê (thế kỷ 17-18). Ngôi chùa nằm trên khu đất rộng gần 8.000m². Được xây dựng theo quy hoạch “nội công, ngoại quốc” gồm nhiều hạng mục khác nhau, từ ngoài vào trong có: Ao rối rộng hơn 800m², cổng Tam quan cao 19m, được cấu tạo gồm 2 cổng lớn (cổng đông và cổng tây). Nối giữa 2 cổng là một tắc môn, liền sau tam quan là một khoảng sân rộng, đến tuần tranh, nhà Mẫu, nhà Tổ, nhà Tăng và đền thờ Minh Không Thiền sư Nguyễn Chí Thành, một cao tăng thời Lý có công lớn trong việc chữa khỏi bệnh cho Vua và được nhà vua phong tặng là “Lý triều Quốc sư”. Do có công lao lớn với đất nước và Phật giáo, sau khi Minh Không Thiền sư qua đời, triều đình đã xuống chiếu cho lập đền thờ gọi là chùa Trông ngày nay.
Với những giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, chùa Trông đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Để lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử văn hoá của di tích, hằng năm nhân dân địa phương ngoài việc chăm lo tu bổ giữ gìn còn tổ chức tốt lễ hội truyền thống, từ 15 đến 30 tháng 3 Âm lịch, trong lễ hội chùa Trông có Lễ rước nước (15/3); Lễ xuất đông, nhập tây (20/3); Lễ Tế Thánh về trời (26/3). Ngoài phần lễ, địa phương còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, nhiều trò diễn dân gian hấp dẫn như rối nước, đấu vật, hát chèo, múa hoa đăng, đu quay, cầu kiều, chọi gà, cờ tướng. Lễ hội chùa Trông mang đậm nét văn hoá cổ truyền của làng quê Việt Nam. Đây cũng là dịp để cho người dân có dịp giao lưu, đoàn kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng đời sống văn hoá.
Trước tình trạng xuống cấp của di tích lịch sử Quốc gia. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra văn bản số 1367/BVHTTDL-DSVH về việc thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích chùa Trông.