Du khách xem biểu diễn múa rối nước ở làng quê Yên Đức (Đông Triều)
Ở Quảng Ninh có hai địa chỉ du khách có thể tìm đến xem múa rối nước. Đó là biểu diễn múa rối nước ở Công viên quốc tế Hoàng Gia (Khu du lịch Bãi Cháy, TP Hạ Long) và Khu du lịch Làng quê Yên Đức (huyện Đông Triều).
Có thể nói, hai điểm biểu diễn múa rối nước này, mỗi điểm có những thế mạnh riêng. Múa rối nước ở Công viên quốc tế Hoàng Gia có lợi thế nằm ngay ở khu trung tâm du lịch Bãi Cháy, nơi tập trung nhiều khách du lịch đến tham quan. Loại hình múa rối nước ở đây được Công ty CP Quốc tế Hoàng Gia đưa vào hoạt động phục vụ khách du lịch từ năm 2001. Điều đáng nói, cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch được đầu tư khá đồng bộ, từ sân khấu biểu diễn đến hệ thống ghế ngồi, âm thanh v.v. phục vụ du khách. Bên cạnh đó, dàn nghệ sĩ biểu diễn cũng hết sức chuyên nghiệp. Nhà biểu diễn múa rồi Hoàng Gia có sức chứa khoảng gần 300 du khách. Hiện nay chương trình múa rối nước ở đây biểu diễn phục vụ du khách 3 show diễn/ngày, thời gian vào 17h30, 18h30 và 19h30 mỗi ngày, mỗi show diễn kéo dài trong khoảng từ 30 – 35 phút.
Khác với múa rối ở Công viên quốc tế Hoàng Gia, múa rối nước ở khu du lịch Làng quê Yên Đức lại có những nét đặc biệt riêng, dân dã hơn. Du khách được thưởng thức loại hình nghệ thuật này trong một không gian rộng rãi và thoáng mát của một làng quê yên bình mà không bị bó hẹp theo kiểu nhà hộp. Sân khấu biểu diễn nằm ở ngoài trời, xung quanh là màu xanh mướt của vườn cây ăn quả, cánh đồng lúa, hoa màu… Điều đặc biệt nữa, những “nghệ sĩ” biểu diễn múa rối nước ở đây đều là bà con nông dân trong thôn được Công ty CP Du thuyền Đông Dương cho đi học về biểu diễn phục vụ du khách. Hiện nay, các chương trình biểu diễn múa rối nước ở đây chủ yếu dành cho khách du lịch đi theo đoàn, không cố định thời gian biểu diễn, các đoàn khách có nhu cầu đến tham quan, xem múa rối nước thường liên hệ trước với trung tâm điều hành du lịch làng quê Yên Đức để có những chương trình biểu diễn phục vụ riêng.
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật dùng mặt nước làm sân khấu (gọi là nhà rối hay thuỷ đình) phía sau sân khấu có phông tre, xung quanh trang trí cờ, quạt, lọng, cổng hàng mã… Trên sân khấu là những con rối (làm bằng gỗ) hoạt động nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây. Con rối được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Hình thù của các con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao. Trong biểu diễn múa rối nước không thể thiếu những tiếng trống, âm nhạc phụ trợ. Mỗi chương trình biểu diễn đều có những cốt truyện riêng…