Người dân Yên Đức luôn tự hào về những di tích lịch sử cách mạng trên vùng đất quê hương. Mỗi di tích là một câu chuyện bi hùng thời chiến tranh. Với truyền thống ấy, Yên Đức hôm nay đang dần chuyển mình trong nhịp sống mới. Từ một xã thuần nông, Yên Đức đi lên làm kinh tế mới với nhiều mô hình sáng tạo: trồng dừa xiêm xanh, cấy lúa nếp cái hoa vàng, phát triển mô hình làm du lịch sinh thái, trồng nấm v.v. Đi trên đường quê Yên Đức hôm nay, thấy mát mắt bởi những cánh đồng xanh mướt, ao nối ao, đầm tiếp đầm. Chỉ mấy tháng nữa thôi, mùa gặt lại đến, mùi thơm của lúa nếp cái hoa vàng lại sẽ lan toả khắp làng quê.
Anh Bùi Văn Nghinh, Phó Chủ tịch UBND xã, phấn khởi, cho biết: “Nếp cái hoa vàng Yên Đức là đặc sản đấy. Giống lúa này hợp với đồng đất Yên Đức, cây lúa phát triển tốt, năng suất cao, khi thành gạo thì rất ngon, ngọt, dẻo và mang vị đặc trưng hiếm có. Hiện nếp cái hoa vàng của chúng tôi làm ra cung không đủ cầu”. Anh Nghinh còn cho biết thêm, hiện xã đang khôi phục lại giống gốc, tiến tới xây dựng thương hiệu nếp cái hoa vàng của riêng Yên Đức, đưa nếp cái hoa vàng thâm nhập vào các hội chợ nông sản trong khu vực…
Từ một xã thuần nông, bốn bề chỉ là rau và lúa, giờ đây Yên Đức đã có sự xuất hiện của nhiều công ty, xí nghiệp đăng ký đầu tư sản xuất kinh doanh. Một số đơn vị đã bắt đầu làm ăn có hiệu quả và khai thác được tiềm năng sẵn có của Yên Đức. Nói về điều này, anh Bùi Văn Nghinh chia sẻ: “Xã chúng tôi đã và đang tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế – xã hội, “trải thảm đỏ” để mời gọi các công ty về đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, đất đai…”.
Hai đơn vị đi đầu mà anh Nghinh nhắc đến là Công ty An Huy hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá và Công ty du lịch Đông Dương làm dịch vụ du lịch làng quê. Bắt đầu từ năm 2011, Công ty du lịch Đông Dương đã vào Yên Đức, tiến hành khai thác mô hình “Du lịch làng quê” với 100% hướng dẫn viên là bà con nông dân địa phương. Các “hướng dẫn viên” này có thể đang lội ruộng hay lấy bèo cho lợn, nhưng cần là lên bờ nói chuyện với khách bằng tiếng Anh một cách trơn tru… Không những thế, còn có thể làm giáo viên cầm tay hướng dẫn du khách xuống ao bắt cá, hay đan lát, làm bánh trôi…
Chị Dương Thị Mến cho biết: Quản lý Trung tâm Du lịch làng quê Yên Đức, từ khi đưa du lịch làng quê vào khai thác, nhiều bà con đã được tạo công ăn việc làm, có thêm thu nhập. Chị Mến kể, lúc mới làm, nhiều người dân còn “mắt tròn mắt dẹt” khi nhìn mấy ông Tây vào làng. Nhiều người khi được Công ty đề nghị chuyển nhượng cái ao thả bèo lẫn với cá tạp còn tỏ ra hoài nghi. Họ bảo, mấy anh chị ở đâu đến thật khéo biết đùa… Nhưng bây giờ thì chính vợ chồng chủ cái ao bèo ấy đã là hướng dẫn viên cho Công ty ngay tại gia…
Anh Casey Edwards, khách du lịch Anh, chia sẻ: “Chúng tôi đã có một cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu về cuộc sống thường ngày của người nông dân ở miền Bắc Việt Nam. Đây cũng là một điểm dừng thuận tiện trên đường đi từ Hạ Long về Hà Nội”.
Còn bà Anitavanden Hoek, du khách Hà Lan, thì không giấu được cảm xúc của mình: “Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời và được người dân địa phương chào đón nồng nhiệt. Rất thú vị khi được tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày, từ người già đến người trẻ đều rất thân thiện và tốt bụng”.
Tạm biệt Yên Đức trong lòng của mỗi chúng ta bỗng thấy lòng bùi ngùi và luyến tiếc, mảnh đất thấm máu các chiến sĩ cách mạng năm xưa giờ đang đơm hoa kết trái. Một cuộc sống mới đã và đang hiện hữu, ngày một tươi đẹp hơn ở vùng quê cách mạng này…/.