Quảng bá, giới thiệu nghề làm tranh dân gian Đông Hồ tại hội Lim 2017
Du lịch cộng đồng đem lại nhiều lợi ích thiết thực với du khách cũng như địa phương có tài nguyên du lịch. Người tham gia du lịch tại cộng đồng sẽ được trực tiếp tìm hiểu tư liệu về các bản sắc văn hóa, trải nghiệm các hoạt động của người dân địa phương. Phát triển du lịch cộng đồng cũng giúp người dân có cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, giao lưu văn hóa với du khách, quảng bá văn hóa, sản phẩm quê hương mình. Từ những lợi ích thiết thực, những năm qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã quan tâm, đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư khách sạn, cơ sở lưu trú cao cấp và triển khai thực hiện chương trình quảng bá văn hóa và du lịch. Nhiều di tích lịch sử đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo, xây mới; nghề truyền thống được bảo tồn, phát triển… Từ sự quan tâm ấy đã tạo cho ngành du lịch, nhất là du lịch cộng đồng có thêm điều kiện phát triển, ngày càng thu hút đông du khách về với miền quê Quan họ. Năm 2016, tổng thu du lịch trên địa bàn ước đạt 589 tỷ đồng; thu hút hơn 874 nghìn lượt khách và đạt 1 triệu ngày khách.
Đối với du lịch cộng đồng cũng đã được quan tâm, đầu tư nhằm khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế. Nhiều tour, tuyến du lịch cộng đồng đã được hình thành với sự vào cuộc tích cực của các nghệ nhân, thợ thủ công làng nghề truyền thống và người dân địa phương. Theo ông Ngô Thế Hiếu, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh (Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) thì thời gian gần đây, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang phát triển, nhưng thu hút đông du khách hơn cả là về tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Quan họ tại làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh); tìm hiểu văn hóa và giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành) và nghề làm gốm (xã Phù Lãng, Quế Võ).
Hiện nay, tại làng nghề làm tranh dân gian Đông Hồ có một số địa điểm như gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh thực hiện đón khách du lịch. Khi khách đến với các địa chỉ này sẽ thấy được tinh thần cởi mở của nghệ nhân, được nghe giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của nghề làm tranh dân gian Đông Hồ và trải nghiệm, tự tay in những bức tranh dân gian. Còn đối với điểm du lịch cộng đồng làng Diềm, du khách sẽ được thăm đền Cùng, giếng Ngọc, đình Diềm và khung cảnh làng quê Quan họ gốc thanh bình, yên ả, đắm mình với những làn điệu dân ca Quan họ đằm thắm, ngọt ngào đồng thời được thưởng thức cơm Quan họ do người dân trong thôn nấu, cùng người dân làm các loại bánh truyền thống.
Mới đây, các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí để xây dựng 3 nhà chứa Quan họ tại thôn Lũng Giang (thị trấn Lim, Tiên Du), Đặng Xá (phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh) và làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Việc quan tâm xây dựng nhà chứa Quan họ không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị của Dân ca Quan họ mà còn tạo điều kiện thuận lợi để du khách tham gia du lịch cộng đồng được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc của người Quan họ.
Theo ông Ngô Thế Hiếu, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch thì mặc dù du lịch cộng đồng đã đạt một số kết quả nhất định nhưng hiện còn gặp một số khó khăn rất cần được quan tâm tháo gỡ. Nhiều nơi cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch còn thiếu, yếu; sản phẩm du lịch đặc thù chưa rõ nét; công tác vệ sinh môi trường chưa được quan tâm đúng mức; tính chuyên nghiệp, tinh thần sẵn sàng của nhiều người dân tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng chưa cao… Những hạn chế trên đã làm cho hoạt động du lịch cộng đồng chưa phát huy được hết tiềm năng.
Để du lịch cộng đồng ngày càng phát triển thiết nghĩ các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm thực hiện các quy hoạch và dự án du lịch đã được phê duyệt; tập trung đầu tư đồng bộ giữa hoạt động trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, gìn giữ các di sản văn hoá, di tích lịch sử với kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường để thu hút du khách. Thực hiện xã hội hoá đầu tư phát triển du lịch; giáo dục nâng cao nhận thức du lịch trong cộng đồng dân cư để huy động nhân dân tham gia vào phát triển du lịch. Tăng cường công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch văn hóa với 7 nét đặc trưng là: Quê hương của dân ca Quan họ; văn hóa tâm linh; lịch sử văn hiến; lễ hội; khoa bảng; làng nghề và kiến trúc. Bên cạnh đó cần sớm có chương trình bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ làm du lịch cho người dân, nghệ nhân đang tham gia gìn giữ các nghề thủ công truyền thống, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, các món ăn đặc sản tại những địa phương, bởi đây là những chủ thể quyết định chất lượng sản phẩm điểm đến của loại hình du lịch cộng đồng./.