Quần thể danh thắng Tràng An
Nằm cách thủ đô Hà Nội gần 100km về phía nam, “miền cố đô” Ninh Bình là vùng đất có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, đồng thời là nơi kết tinh nền văn hóa đặc sắc được gìn giữ qua nhiều năm lịch sử. Có thể kể đến các điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình thu hút du khách gần xa như: Cố đô Hoa Lư – kinh đô xưa của nước Đại Cồ Việt, khu Tam Cốc – Bích Động – nơi được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên cạn”, khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham, Vườn quốc gia Cúc Phương…
Đặc biệt, việc Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới đã mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch cho tỉnh Ninh Bình. Trong năm 2016, Ninh Bình đón trên 6,4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 715.000 lượt. Tính đến tháng 6/2017, toàn tỉnh đón trên 4,8 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 387.000 lượt.
Xác định du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và bảo vệ môi trường là nhân tố thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững, thời gian qua ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Thành Đông phát biểu tại hội thảo
Tại hội thảo Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: trước hết, công tác tuyên truyền được thường xuyên triển khai tại các khu, điểm du lịch nhằm nâng cao nhận thức của du khách và người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan, đặc biệt là tại những khu vực nằm trong vùng di sản thế giới. Bên cạnh đó, ngành Du lịch cùng các cơ quan hữu quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức bảo vệ di sản, thực hiện ứng xử văn minh và an toàn tới các đối tượng là cán bộ và người dân trực tiếp tham gia dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch quan trọng.
Trước sức ép không nhỏ ảnh hưởng tới môi trường du lịch do lượng khách ngày một tăng nhanh, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm giảm tải và phân luồng khách như: mở thêm các tour, tuyến, xây dựng chương trình kích cầu du lịch vào mùa thấp điểm… Với các giải pháp thiết thực, đồng bộ, môi trường du lịch (gồm tự nhiên và xã hội) tại Ninh Bình đã được cải thiện, hầu như không còn hiện tượng móc túi, ăn xin, chèo kéo du khách… Đây là điểm tích cực được nhiều chuyên gia và các hãng lữ hành trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao – Ông Bùi Thành Đông cho biết thêm.
Một điểm du lịch điển hình trong việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường ở Ninh Bình có thể kể đến Khu sinh thái vườn chim Thung Nham trên địa bàn xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Nằm trọn vẹn trong vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An, Thung Nham đang góp phần tô điểm vào bức tranh kinh tế du lịch của tỉnh Ninh Bình.
Từ một vùng đất còn hoang sơ, vườn chim Thung Nham đã được đầu tư xây dựng thành Khu du lịch có diện tích trên 300 ha với 12 điểm tham quan như nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, du lịch sinh thái… Bên cạnh đó, Khu du lịch còn cho trồng nhiều loại cây nhằm tạo nên một quần thể thực vật có sự kết hợp giữa cây lấy gỗ, cây ăn quả và thảm thực vật xanh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017, vườn chim Thung Nham đã đón gần 90.000 lượt khách tham quan. Với việc đón tiếp một lượng khách lớn, Khu du lịch đã xây dựng, lắp đặt hệ thống thùng rác dọc các tuyến đường trong khu du lịch, đặt biển cảnh báo “Cấm xả rác”, đồng thời vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức của du khách.
Khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái đất ngập nước Vân Long
Đại diện Khu du lịch sinh thái Vườn chim Thung Nham cho biết, bằng những biện pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên, duy trì nguồn thức ăn và tuyệt đối nghiêm cấm các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của động vật, đến nay Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham đã trở thành nơi trú ngụ của hơn 40 loài chim, trong đó những loài có tên trong sách đỏ Việt Nam.
Hay như tại Vân Long (huyện Gia Viễn) – Khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc bộ. Nơi đây sở hữu hệ thống sinh thái đa dạng với hơn 40 loài động vật và thực vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ Việt Nam như Voọc quần đùi trắng, gấu ngựa, sơn dương, tắc kè…
Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường tại Khu bảo tồn đã nhận được sự phối hợp, giúp đỡ tích cực từ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện trong việc dọn dẹp vệ sinh, khơi thông dòng chảy, thu gom rác thải… Cùng với đó, Chi hội phụ nữ thôn Tập Ninh còn tiếp nhận quản lý “Tuyến đường văn minh du lịch” trên địa bàn xã và thường xuyên dọn dẹp, bảo vệ các tuyến đường và khu đất ngập nước. Nhờ thế môi trường du lịch tại Vân Long luôn được bảo vệ, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân trong vùng, giữ gìn cảnh quan đa dạng sinh học vốn có của địa phương.
Đối với khách du lịch, Ninh Bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn không theo mùa vụ mà còn thích hợp vào tất cả các thời điểm trong năm. Thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình tiếp tục thực hiện chủ trương bảo tồn di sản nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung, tập trung nguồn lực trong công tác bảo vệ môi trường vì sự phát triển du lịch bền vững.
Khánh Trang