Theo đó, Cần Thơ sẽ xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên các lợi thế của từng quận, huyện. Quận Ninh Kiều phát triển mô hình du lịch MICE gắn với hội thảo, hội nghị, triển lãm; trong đó điểm nhấn sẽ là quần thể Bến Ninh Kiều, khách sạn Ninh Kiều. Huyện Phong Điền định hướng theo mô hình du lịch homestay gắn với du lịch sinh thái, vườn cây trái, với các “điểm du lịch quốc gia” như Làng du lịch Mỹ Khánh, Vườn trái cây Vàm Xáng, Khu du lịch Lung Cột Cầu… Quận Bình Thủy với đặc điểm có nhiều địa điểm tâm linh, căn cứ cách mạng nên sẽ phát triển du lịch theo mô hình du lịch về nguồn; các điểm được chọn để xây dựng “điểm du lịch quốc gia” trên địa bàn quận gồm: Nhà cổ Bình Thủy, Đình Bình Thủy. Quận Cái Răng đẩy mạnh du lịch sông nước, khai thác thế mạnh của Chợ nổi Cái Răng…
Bên cạnh đó, phát huy vai trò thành phố trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ cũng có các chương trình liên kết quy mô vùng để hình thành các tour, tuyến liên hoàn giữa các vùng du lịch trọng điểm trong cả nước, trên cơ sở gia tăng lợi ích cho các địa phương, không chồng chéo, giảm chi phí…
Được biết, Thành phố đã có kế hoạch cụ thể nhằm mời gọi các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước rót vốn vào các “điểm du lịch quốc gia” của Cần Thơ. Trong năm cũng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình điểm nhấn như Khu tưởng niệm cố Soạn giả Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền, Đền thờ Châu Văn Liêm…
Năm 2016, tổng lượng khách du lịch đến Cần Thơ đạt gần 5,4 triệu lượt người; tăng 14% so với năm 2015. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.826 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015, đạt 130% kế hoạch năm.