Lễ hội Thành Bản Phủ – Đền Hoàng Công Chất là lễ hội đặc sắc, thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài tỉnh
Với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, cùng với đó là nhiều mất mát và hy sinh, từ lâu, các nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành điểm đến không thể thiếu để người dân thập phương về đây tỏ lòng thành kính, tri ân những người không tiếc máu xương vì bình yên hôm nay. Việc chăm chút tạo cảnh quan môi trường trang nghiêm mà đẹp mắt, tạo thành những công viên nghĩa trang xanh mát cũng góp phần thu hút du khách, tạo cảm giác thanh tịnh, thoải mái cho người ghé thăm.
Cùng với hệ thống 8 nghĩa trang liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Điện Biên còn có đền thờ vị tướng “áo vải” Hoàng Công Chất, có công đánh đuổi giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh vào thế kỷ XVIII. Ngày nay, Đền Hoàng Công Chất đã trở thành một điểm đến tâm linh nổi tiếng xa gần. Trung bình mỗi năm Đền đón khoảng 30.000 lượt khách tham quan, thắp hương tưởng niệm, trong đó trên 10.000 lượt khách ngoại tỉnh. Đặc biệt, gắn với ngôi đền có Lễ hội Thành Bản Phủ – Đền Hoàng Công Chất được tổ chức tháng 2 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ công đức của vị tướng quân “áo vải” và những người có công với dân tộc, nhận được sự quan tâm của hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Điện Biên còn có Chùa Linh Sơn, điểm tâm linh Linh Quang được xây dựng mới khang trang, nổi bật cùng một điểm nhấn trong du lịch tâm linh là lễ hội phật giáo, lễ cầu siêu các anh hùng, liệt sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên tổ chức gắn với Lễ hội Hoa ban hàng năm, thu hút sự tham gia của tăng ni, phật tử, khách du lịch khắp mọi miền đất nước.
Ngoài du lịch tâm linh gắn với lịch sử, đền, chùa thì với 19 dân tộc anh em, Điện Biên có nhiều di tích tín ngưỡng dân gian, lễ hội truyền thống dân tộc đặc sắc như: Tháp Mường Luân, Chiềng Sơ (dân tộc Lào), Xên Mường Thanh (dân tộc Thái), Nào Pê Chầu (dân tộc Mông)… Mỗi dân tộc có niềm tin, tín ngưỡng khác nhau, tạo nên sự đa dạng, độc đáo, thôi thúc sự khám phá, tìm hiểu. Nếu khai thác được những tiềm năng, lợi thế đã nêu trên, mỗi cuộc hành hương đến với Điện Biên không chỉ là dịp để du khách tự tay dâng hương lên những người đã hi sinh vì độc lập dân tộc; tìm được sự thanh tịnh, thư thái nơi đền, chùa linh thiêng mà còn có thể hòa mình vào không khí lễ hội độc đáo; tìm hiểu, trải nghiệm nét đẹp văn hóa gắn với tín ngưỡng dân gian.
Tiềm năng là vậy nhưng có thể thấy, việc phát triển các điểm du lịch tâm linh ở Điện Biên hiện chưa hình thành rõ rệt, chủ yếu mới chỉ phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân trên địa bàn, hiệu quả kinh tế không cao. Thành Bản Phủ – Đền Hoàng Công Chất tuy đã đón khách từ lâu, được công nhận là di tích cấp quốc gia nhưng chưa được đầu tư xứng tầm. Khuôn viên, cảnh quan Đền không được chăm chút, dọn dẹp thường xuyên. Các tích truyện về vị tướng chưa được khai thác sâu rộng. Các di tích tín ngưỡng và lễ hội truyền thống cũng chưa phát huy được giá trị, có nguy cơ bị lãng quên, mai một.
Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên cho biết: Cùng với du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái thì tâm linh là loại hình du lịch được xác định ưu tiên phát triển, được đề cập trong Nghị Quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Để khai thác tiềm năng này, các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tiếp tục được quan tâm, chăm sóc tạo cảnh quan đẹp, thu hút khách đến thăm viếng. Các hoạt động sinh hoạt tâm linh tri ân anh hùng, liệt sĩ gắn với hoạt động văn hóa, du lịch của tỉnh được khuyến khích, tạo điều kiện tổ chức. Ngoài ra, ngành Văn hóa đang sưu tầm, nghiên cứu để phục dựng lễ hội Xên Mường Thanh vào năm 2018 với ý nghĩa gắn kết cộng đồng dân cư, tri ân tổ tiên, đất trời, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Hướng đến duy trì lễ hội hàng năm để trở thành điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài ra, Điện Biên còn đề xuất xây dựng Khu lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng; Đền thờ các anh hùng, liệt sĩ hi sinh tại Trung tâm Đề kháng Him Lam; Đền thờ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ hi sinh tại di tích Đồi A1 và đã được các bộ, ngành liên quan cơ bản đồng ý. Nếu những dự định này được thực hiện và nỗ lực hoàn thành, du lịch tâm linh của Điện Biên sẽ có cơ hội “cất cánh”, phát triển xứng với tiềm năng sẵn có./.