Hát bội Vĩnh Long đã hơn trăm năm…
Một dịp về Công Thần Miếu (Phường 5, TP. Vĩnh Long) xem hát bội được gặp bầu Răng (Huỳnh Văn Răng) đã 82 tuổi là Trưởng đoàn Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Đồng Thinh, là người “máu” với hát bội cả đời. Bầu Răng cho biết dòng tộc ông đã 5 đời hát bội. Hơn trăm năm trước, ông nội ông đã đi hát bội, rồi đến ba ông là bầu Đây của gánh Tân Phước Lập, đến ông là gánh Đồng Thinh, con gái là Huỳnh Thị Yến Linh, diễn viên của Đồng Thinh là nghệ nhân ưu tú, rồi dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại cùng theo hát bội… Bầu Răng cho biết vào những năm 50 của thế kỷ trước, hát bội ở thời kỳ vàng son, ghe hát đi đến đâu, bà con cổ vũ nhiệt tình đến đó, xem hát bội chật kín cả sân đình. Đến gần cuối thế kỷ trước, hát bội mất dần khán giả, đến độ tưởng như loại hình nghệ thuật tuồng này sẽ không còn tồn tại nữa. Nhiều nghệ nhân hát bội phải tự tìm cho mình một nghề để kiếm sống, nhưng phẩm chất nghệ sĩ, lòng say mê hát bội luôn thúc giục họ tìm mọi cách để giữ gìn nghệ thuật tuồng của dân tộc, tìm mọi cách chân truyền cho thế hệ con cháu.
Mặc dù vậy nhưng hiện nay Vùng sông nước miệt vườn Cửu Long, mỗi tỉnh, thành cũng còn tồn tại đoàn hát bội nhưng có lẽ Vĩnh Long là nổi trội. Bởi hát bội Vĩnh Long đã từng được Bộ Văn hóa-Thông tin chọn đi biểu diễn tại Mỹ và gây tiếng vang lớn cho hát bội Việt Nam. Đó là lần Lễ hội Smithsonian năm 2007 với chủ đề “Mê Kông – Dòng sông kết nối các nền văn hóa” do Viện Smithsonian tổ chức tại thủ đô Washington, Mỹ từ ngày 23-6 đến 9-7/2007. 5 nghệ nhân hát bội Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Đồng Thinh đã đi biểu diễn tại Mỹ là Nguyễn Văn Tốt, Huỳnh Văn Hên, Huỳnh Thị Yến Linh, Phạm Văn Mười Một và Nguyễn Văn Thinh. Đoàn đã diễn trích đoạn Tiết Giao đoạt ngọc, giới hạn thời lượng 45 phút với 5 lớp diễn: Võ Tam Tư xuất binh, Võ Tam Tư bại trận trở về, Nguyệt Cô kịch chiến với Tiết Giao, Võ Tam Tư đi tuần và Nguyệt Cô hóa cáo. Câu chuyện kể về nàng Nguyệt Cô là cáo tinh tu lâu năm trở thành người. Nhờ có một nhan sắc tuyệt trần nên được Võ Tam Tư say đắm và cưới làm vợ. Nhờ có tài võ nghệ nên trong một trận chiến giữa các nước với nhau, nàng Nguyệt Cô xin chồng đi nghinh chiến. Người giao đấu với Nguyệt Cô là một chàng đẹp trai có tên Tiết Giao. Mới gặp nhau Nguyệt Cô đã bị say đắm bởi một kẻ thù quá khôi ngô tuấn tú. Tuy nhiên, Tiết Giao có võ nghệ không bằng Nguyệt Cô nên đã tìm cách đoạt viên ngọc người trong bụng của Nguyệt Cô. Tiết Giao bày kế giả bệnh nặng, nếu có viên ngọc người của Nguyệt Cô chàng mới khỏi bệnh. Do Nguyệt Cô quá say mê Tiết Giao nên đành phải nhả ra cho chàng. Khi vừa nhả ra, Nguyệt Cô liền hiện nguyên hình cáo tinh, mất hết công lực. Quân Tiết Giao tấn công, quân Võ Tam Tư bại trận. Mặc dù ngôn ngữ khác nhau người xem có thể không hiểu nhưng với cách hóa trang, đàn, hát, ra bộ… của hát bội làm cho khán giả Mỹ nhiều ấn tượng. Hôm đến Công Thần Miếu xem lại trích đoạn Tiết Giao đoạt ngọc phục vụ cho du khách, được gặp nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Tốt ( Vũ Linh Tâm), đã hơn 40 năm theo nghề hát bội, thủ vai Tiết Giao trong trích đoạn Tiết Giao đoạt ngọc diễn tại Mỹ, xúc động kể lại: “ Bao nhiêu năm mình đi theo hát bội chỉ đi hát đình, hát miếu chớ có bao giờ nghĩ ra nước ngoài biểu diễn đâu. Không ngờ năm 2007, hát bội Vĩnh Long được chọn đi biểu diễn ở Mỹ. Ngày đi Mỹ, tôi cùng cả đoàn lo lắm! Chúng tôi rất lo bởi toàn bộ vở diễn đến 120 phút nhưng phải rút lại có 45 phút. Bằng mọi cách tất cả các nghệ nhân phải diễn hết sức mình. Chúng tôi phải cố gắng đem đến cho người xem một vở diễn thật sự có ý nghĩa và giới thiệu loại hình nghệ thuật hát bội cho bạn bè thế giới. Ngày diễn họ đến xem rất đông và họ ngồi im xem biểu diễn. Nhìn khán giả nước ngoài chăm chú theo dõi hát bội, chúng tôi càng thấy trách nhiệm nhiều hơn và càng cảm hứng hơn, diễn hay hơn. Đến khi vỡ diễn kết thúc, những tràn pháo tay vang lên, chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng…”. Không chỉ diễn viên hát bội Vĩnh Long được diễm phúc như vậy mà cả bầu Răng gần trọn đời gắn với “nghiệp” hát bội cũng bất ngờ, bật khóc vì sung sướng. “ Hồi đi Mỹ, tôi khóc luôn. Bởi vì, ba tôi cả đời theo hát bội có được đi đâu xa biểu diễn, được đi hát đình, hát miếu là mừng lắm rồi. Bây giờ, tôi dẫn đoàn hát bội sang Mỹ hát cho người nước ngoài xem có gì sung sướng bằng…”, bầu Răng đã chia sẻ như vậy, hôm gặp ông tại Công Thần Miếu.
Đưa hát bội phục vụ du khách
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Long đã 02 lần tổ chức hát bội để giám đốc các hãng lữ hành và các hướng dẫn viên du lịch xem để tham khảo có thể đưa chương trình nghệ thuật truyền thống hát bội phục vụ cho du khách được không? Lần thứ nhất, hầu hết giám đốc các hãng lữ hành cho rằng nên chọn hát bội của Vĩnh Long đưa vào phục vụ du khách. Bởi hiện nay, Vĩnh Long có hơn 500 di tích phổ thông, 40 di tích cấp tỉnh và 10 di tích cấp quốc gia. Trong đó, có 132 đình làng. Đặc biệt là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Công Thần Miếu, nơi có 85 đạo sắc phong. Đó là nơi du khách có thể đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và xem hát bội Vĩnh Long, đã từng sang Mỹ biểu diễn. Lần thứ hai, nghệ thuật hát bội Vĩnh Long được tổ chức diễn thử nghiệm giới thiệu cho đoàn khảo sát du lịch TP. Hồ Chí Minh (Famtrip HoChiMinhCity 2016) với gần 40 hướng dẫn viên của các hãng lữ hành trong và ngoài nước tại TP. Hồ Chí Minh. Hầu hết, cho rằng loại hình này phù hợp phục vụ du lịch. Thời gian trình diễn nên giới hạn khoảng 30 phút. Cần có phần giới thiệu nét đặc sắc của loại hình này và nội dung trích đoạn biểu diễn cho khán giả hiểu hơn về loại hình này. Nên biểu diễn các vở diễn của lịch sử Việt Nam, ưu tiên trích đoạn nói về lịch sử và chiến công của anh hùng dân tộc Việt Nam. Theo ông Nghĩa của Công ty Việt Nam Smile Tour: “Nếu khai thác loại hình này phục vụ du lịch thì hướng dẫn sẽ gặp khó khăn trong việc giới thiệu nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật này cho khách du lịch nước ngoài vì một số từ chuyên ngành của loại hình nghệ thuật này mà tiếng nước ngoài không có. Do đó, Vĩnh Long cần có tài liệu nước ngoài giới thiệu loại hình nghệ thuật này với các thứ tiếng thông dụng hiện nay để hướng dẫn thuận tiện hơn…”
Ông Lưu Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Long, cho biết: “Vĩnh Long tự hào là địa phương còn lưu giữ, phát huy tốt các loại hình nghệ thuật truyền thống hát bội, đờn ca tài tử, múa bóng rỗi. Cùng với các lễ nghi truyền thống lâu đời thì hát bội là chương trình văn nghệ dâng cúng thần linh, sau đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của công chúng xa gần là không thể thiếu vắng. Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long sẽ tiếp tục đưa các loại hình nghệ thuật cổ truyền quý báu của tiền nhân vào các đình làng, để bảo tồn và phát huy, để giới thiệu với khách du lịch trong nước và quốc tế theo mô hình nhà hát tuồng truyền thống thu nhỏ…”./.