Đại Nội (Thừa Thiên-Huế) là một trong những điểm tham quan ưa thích của du khách. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: Bộ nhận diện thương hiệu của ba địa phương có tên gọi Tinh hoa Việt Nam (The Essence of Vietnam). Chương trình do Dự án “Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (Dự án EU-ESRT) và ba địa phương hợp tác xây dựng.
Hình ảnh thương hiệu “Tinh hoa Việt Nam” được thể hiện bằng hình tượng “trái tim mở” cách điệu gồm màu cam, màu xanh dương, xanh lục và màu đỏ. Ba màu sắc này thể hiện các dòng sản phẩm cốt lõi của ba địa phương là văn hóa, biển đảo và thiên nhiên. Hơn nữa, màu sắc của trái tim liên kết trực tiếp với thương hiệu quốc gia của du lịch Việt Nam là “Vẻ đẹp bất tận.”
Cùng với ba dòng sản phẩm cốt lõi nêu trên, dòng sản phẩm thứ tư cũng đã được ba địa phương giới thiệu chung là ẩm thực, được thể hiện bằng màu đỏ – màu của lửa mang ý nghĩa nấu nướng, ẩm thực là sản phẩm nổi tiếng của vùng duyên hải miền Trung. Trái tim mở thể hiện con số “3” cũng có ý nghĩa ba dòng sản phẩm cốt lõi và ba địa phương Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Khi đặt trên bản đồ Việt Nam, trái tim mở ôm trọn ba thành phố lớn của ba địa phương là Huế, Đà Nẵng và Hội An…
Tại buổi lễ, ba địa phương phối hợp, giới thiệu đến công chúng, các doanh nghiệp hai chuỗi sản phẩm chung là “Con đường di sản” và “Con đường thiên nhiên.”
Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cũng cho biết vùng duyên hải miền Trung tập trung nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đất nước, trong đó tập trung chủ yếu Thừa-Thiên Huế và Quảng Nam. Có thể kể đến Di sản thế giới quần thể các cung điện, đền đài, lăng tẩm triều Nguyễn (Cố đô Huế); cửa ngõ giao thương Đông Nam Á được bảo tồn một cách hoàn hảo (phố cổ Hội An), di sản thế giới di tích khu đền tháp Chăm cổ (Mỹ Sơn)… Sản phẩm “Con đường thiên nhiên” sẽ đưa du khách tới một số khu vực tự nhiên đa dạng sinh học như rừng quốc gia Bạch Mã, núi Bà Nà, bán đảo Sơn Trà, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm…
Ngay từ năm 2006, ba địa phương đã có những hợp tác về phát triển du lịch, thu hút du khách. Đến tháng 2/2014, ba địa phương đã chính thức ký Bản thỏa thuận hợp tác liên kết phát triển du lịch. Trong 3 năm, Dự án EU – ESRT đã triển khai nhiều hoạt động giúp mô hình liên kết hợp tác của ba địa phương đạt được kết quả tích cực. Thông qua hỗ trợ của dự án đã góp phần thúc đẩy quá trình liên kết hợp tác phát triển du lịch ba nơi, chủ yếu tập trung vào ba nhóm vấn đề chính là phát triển sản phẩm, tiếp thị và phát triển nguồn nhân lực…/.