Đây là lần đầu tiên tỉnh Hưng Yên tổ chức lễ hội này nhằm quảng bá loại đặc sản tiến vua, vốn nổi tiếng vùng đất Phố Hiến xưa.
Tham gia lễ hội có 350 gian hàng của 22 tỉnh, thành phố trong cả nước tới trưng bày các sản phẩm nông sản tiêu biểu, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề… nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền.
Riêng tỉnh Hưng Yên có trên 100 gian hàng; trong đó, hơn 20 gian trưng bày sản phẩm nhãn lồng.
Lễ hội là dịp để người tiêu dùng có thêm thông tin chính xác để nhận biết và thưởng thức sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên đích thực; đồng thời, giúp các cơ sở sản xuất, chế biến có thể sản xuất được hàng hóa tốt, quản lý được chất lượng hàng từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu cả về chất lượng, mẫu mã, hình thức…
Tỉnh Hưng Yên hiện có 4.000ha nhãn đang cho thu hoạch, trồng tập trung nhiều ở thành phố Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu. Hàng năm, sản lượng nhãn đạt trên 40.000 tấn, trị giá gần 1.000 tỷ đồng.
Kế thừa kinh nghiệm canh tác lâu đời, kết hợp với kỹ thuật trồng, chăm sóc hiện đại, theo qui trình VietGap, ngày nay, nhãn lồng Hưng Yên vẫn giữ được hương vị truyền thống, lại vừa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng về an toàn thực phẩm.
Đáng chú ý, nhãn lồng Hưng Yên đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa là “Nhãn lồng Hưng Yên – Hương vị tiến vua” và được công nhận chỉ dẫn địa lý.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố tiếp tục hướng dẫn bà con nông dân mở rộng diện tích trồng nhãn theo quy trình VietGap, để cung ứng sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên, sao cho đảm bảo tốt về chất lượng, nhiều về số lượng, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong cả nước.
Sở Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu tiềm năng, đưa nhãn lồng Hưng Yên xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục giúp đỡ Hưng Yên trong việc chuyển giao kỹ thuật, xúc tiến thương mại sản phẩm nhãn lồng nói riêng và các sản phẩm hàng hóa của Hưng Yên nói chung, giúp cho sản phẩm hàng hóa của Hưng Yên tiếp cận và thâm nhập rộng rãi vào thị trường trong và ngoài nước.
Cũng tại lễ hội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao bằng Chứng nhận chỉ dẫn địa lý tập thể cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã trao 12 bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích tiêu biểu trong việc sản xuất, gìn giữ những giá trị của sản vật nhãn lồng.
Lễ hội tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên – Hội chợ đặc sản vùng miền năm 2017 diễn ra đến hết ngày 14/8./.