Sa Pa trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Ngọc Bằng
Cuối năm 2014, Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành giai đoạn I và đưa vào sử dụng đã tạo ra “làn sóng” du khách đổ đến Lào Cai tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá. Lượng du khách tăng liên tục hằng năm, tính riêng nửa đầu năm 2017, lượng du khách đã đạt 2,3 triệu lượt, gần bằng lượng du khách đến Lào Cai cả năm 2016 (2,7 triệu lượt), riêng Khu du lịch Sa Pa đã đón gần 1 triệu lượt du khách, trong đó du khách quốc tế là 120.000 lượt. Lượng du khách đông, kéo theo là mức tăng về doanh thu dịch vụ du lịch – thương mại, mức thu nộp ngân sách nhà nước tăng lên, có thêm nhiều lao động được giải quyết việc làm theo hướng ổn định và thu nhập cao hơn.
Tăng trưởng “nóng” cũng khiến những khó khăn phát sinh tại Khu du lịch quốc gia Sa Pa mà không dễ giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Đó là sự quá tải về hạ tầng đối với khu du lịch vốn hạn chế về mặt bằng xây dựng do địa hình bị chia cắt mạnh, diện tích tự nhiên phổ biến là đồi núi có độ dốc lớn. Áp lực dễ nhận thấy nhất là mặt bằng phát triển hạ tầng giao thông và các hạng mục phụ trợ như bãi đỗ xe, công trình công cộng, mặt bằng xây dựng hạ tầng thương mại, dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, yêu cầu mở rộng công sở các cơ quan nhà nước. Nhiều điểm du lịch có nguy cơ quá tải mà không thể nâng cấp, đầu tư mở rộng khiến một số sản phẩm du lịch không còn sức hấp dẫn du khách như trước đây. Quy hoạch phát triển cho Khu du lịch quốc gia Sa Pa được xác lập đã tạo ra một không gian, định hướng phát triển mới cho khu du lịch này theo hướng bền vững, đảm bảo tính chiến lược cao. Theo đó, Khu du lịch quốc gia Sa Pa không chỉ gói gọn trong thị trấn Sa Pa như hiện nay, mà sẽ gồm một đô thị Sa Pa làm trung tâm và 4 phân khu du lịch vệ tinh, gồm: Loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng sẽ được mở rộng tại các phân khu du lịch Bản Khoang – Tả Giàng Phình, phân khu Thanh Kim và phân khu du lịch Tả Van – Séo Mý Tỷ. Riêng phân khu Tả Phìn sẽ ưu tiên cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh gắn với du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái nông nghiệp. Cùng với đó, Khu du lịch quốc gia Sa Pa có kết nối ngày càng chặt chẽ với các điểm du lịch thuộc huyện Bát Xát thông qua các điểm du lịch có tiềm năng như Sân golf Bản Qua – điểm du lịch vui chơi giải trí, thể thao gắn với nghỉ dưỡng; phân khu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và nghiên cứu, khám phá tại Y Tý và Trung tâm du lịch cộng đồng tại xã Mường Hum.
Cùng với mở rộng không gian, các mục tiêu cụ thể về phát triển sản phẩm du lịch tại Sa Pa cũng được quan tâm như chương trình du lịch “Sa Pa – xứ sở của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại hấp dẫn”, “Sa Pa – Vùng đất của sự trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa truyền thống”, sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao” với các tua leo núi Fansipan, Ky Quan San, Nhìu Cồ San tại Sa Pa và Bát Xát. Các điểm du lịch tham quan được ưu tiên quảng bá như Hàm Rồng, thác Tình Yêu, bãi Đá cổ, cầu Mây (Sa Pa) và liên kết với các điểm như hang động Mường Vi, cầu Thiên Sinh – Y Tý, cột cờ Lũng Pô (Bát Xát). Ngoài ra, ngành chức năng và địa phương cũng tiếp tục dành sự quan tâm khai thác sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng và sản phẩm du lịch bổ trợ như gắn với không gian văn hóa, kết nối với các địa chỉ du lịch tâm linh, du lịch thương mại, du lịch nghiên cứu – khám phá và du lịch mạo hiểm tại huyện Bát Xát, Bảo Yên, Bắc Hà.
Đại diện cơ quan quản lý du lịch của tỉnh cho rằng, ở phạm vi rộng hơn, định hướng trong những năm tới đây, Khu du lịch quốc gia Sa Pa sẽ có sự tăng cường kết nối các tuyến du lịch quốc tế, như: Kết nối với điểm du lịch nổi tiếng tại miền Tây Nam của Trung Quốc như Thạch Lâm, Đại Lý, Lệ Giang qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai; kết nối Sa Pa với Điện Biên rồi tới Luông Pha Băng, Viêng Chăn (Lào) và Chiềng Mai (Thái Lan) bằng loại hình ô tô tự lái (caravan tour); kết nối tua trải nghiệm ruộng bậc thang giữa Sa Pa, Mù Cang Chải (Yên Bái) và điểm du lịch Nguyên Dương (Trung Quốc).
Mở rộng không gian dựa trên sự liên kết, hợp tác khai thác các sản phẩm, quảng bá và xúc tiến đầu tư là xu hướng mới nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Với Khu du lịch quốc gia Sa Pa, trong thời gian gần đây điều đó càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết./.