Trao Bằng chứng nhận Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)
Những năm sau đổi mới, sơn mài Tương Bình Hiệp tiếp tục có được bước phát triển mới, sản phẩm sơn mài được xuất khẩu đi nhiều thị trường có đòi hỏi cao như thị trường châu Âu, châu Mỹ… Sản xuất sơn mài ở Tương Bình Hiệp trở nên sôi động, tấp nập thu hút hơn 80% tổng số hộ tham gia.
Việc sơn mài Tương Bình Hiệp được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng làm nghề nói riêng và người dân trong tỉnh nói chung.
Đây là cơ hội lớn để nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được hưởng các chính sách ưu đãi trong việc phát triển làng nghề và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Dù việc phát huy nghề sơn mài có phần giảm so với các thời kỳ trước và chủ yếu phát triển mạnh trên địa bàn phường Tương Bình Hiệp, với khoảng 50 cơ sở sản xuất cùng trên 500 người làm nghề.
Tuy vậy, nhờ ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật mới nên số lượng sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp làm ra ngày càng nhiều hơn; chất lượng sản phẩm tốt hơn, có giá trị thương mại cao hơn… góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm, xóa nghèo bền vững cũng như đóng góp vào nguồn thu ngân sách của địa phương.
Đỉnh cao của nghề làm sơn mài ở tỉnh Bình Dương là vào những năm 1945-1975, với hơn 300 hộ làm nghề; trong đó có 10 cơ sở sản xuất lớn; tiêu biểu nhất có thể kể đến là Xưởng sơn mài Thành Lễ.
Đây là cơ sở quy tụ được nhiều nghệ nhân nổi tiếng nhất trong vùng lúc bấy giờ như Nghệ nhân Thái Văn Ngôn, Ngô Từ Sâm, Trần Văn Nam…
Ngoài ra, còn có một số cơ sở khác có quy mô nhỏ hơn nhưng cũng rất “có tiếng tăm” lúc bấy giờ như Cơ sở Lương Định Của, Trần Hà, Sông Gianh, Phát Anh, Hồ Hữu Thủ…/.