Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nổi trội so với các địa phương khác, lợi thế lớn nhất và cũng là mũi nhọn kinh tế thực sự của Khánh Hòa chính là du lịch. Năm 2016, riêng doanh thu du lịch của Khánh Hòa đạt 12.998 tỷ đồng, tăng 16,43% so với cùng kỳ năm trước, góp phần vào tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt 18.096 tỷ đồng.
Du lịch và dịch vụ chiếm đến trên 90% cơ cấu kinh tế của địa phương cũng có phần lớn nhờ vào điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, lịch sử văn hóa đặc biệt. Với bờ biển dài và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh… và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác.
Nha Trang – Khánh Hòa hiện được xác định là một trong 10 trung tâm du lịch-dịch vụ lớn của cả nước. Tháng 5/2003, vịnh Nha Trang được công nhận là thành viên chính thức của Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đặc biệt tài nguyên biển có nhiều loại hải sản quý hiếm có thể khai thác, nuôi trồng, chế biến xuất khẩu với khối lượng lớn mà nổi tiếng nhất là yến sào – nguồn nguyên liệu đặc biệt để xuất khẩu và bào chế các sản phẩm bổ dưỡng quý hiếm cho con người.
Xác định chỉ có thể phát triển du lịch trên cơ sở nền tảng đảm bảo tốt về môi trường, năm vừa qua, Khánh Hòa đã xử lý dứt điểm 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm của 20/42 cơ sở phải xử lý trong năm 2016. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90%, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom đạt 90%.
Phát triển cả ba mũi kinh tế
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại những lợi thế của Khánh Hòa nhất là về nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, nguồn nhân lực chất lượng tốt.
Đánh giá từ sau Đại hội Đảng toàn quốc thứ XII đến nay, Khánh Hòa cơ bản đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện về kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho rằng cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch tốt; quốc phòng, an ninh được đảm bảo; du lịch phát triển đúng hướng và hiệu quả; an sinh xã hội được quan tâm.
Những hạn chế của Khánh Hòa, theo Thủ tướng là vẫn còn những mâu thuẫn trong phát triển hạ tầng và các ngành kinh tế; ngoài ra, một số chỉ tiêu tăng trưởng chưa đạt, tỉnh cần nỗ lực hơn như giảm nghèo.
Thủ tướng nhận định GDP từ du lịch dù đã ở mức cao so với cả nước (chiếm 10% tổng GDP địa phương) nhưng vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng của địa phương.
Công tác quản lý du lịch vẫn còn nhiều bất cập và du lịch ở Khánh Hòa vẫn chưa thực sự trở thành hình mẫu phát triển du lịch bền vững của cả nước. Ngoài ra, các chỉ số về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh còn ở mức thấp so với yêu cầu.
Khẳng định Khánh Hòa phát triển mạnh thì đóng góp cho miền Trung và cả nước cùng phát triển, định hướng nhiệm vụ thời gian tới của địa phương, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền Khánh Hòa cần chú ý thúc đẩy tăng trưởng cả ba mũi nhọn kinh tế theo thứ tự du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn. Bởi theo Thủ tướng, mặc dù nông nghiệp, nông thôn của tỉnh cơ cấu nhỏ nhưng tỷ lệ người nông dân vẫn chiếm đến gần 1/3 tổng số dân trên địa bàn.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng đề nghị Khánh Hòa thực hiện tốt các Nghị quyết của Chính phủ và Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân địa phương để đảm bảo tính chỉ đạo đồng bộ hơn. Trong đó, tỉnh phải tiếp tục khuyến khích khởi nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 có từ 25.000-30.000 doanh nghiệp; đồng thời chú ý đưa doanh nghiệp về nông thôn để kích thích tăng trưởng của lĩnh vực này.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả bộ máy chính quyền. “Phải xây dựng Khánh Hòa thành một hình mẫu chính quyền đối thoại, lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp, với người dân. Khánh Hòa phải phấn đấu lọt vào tốp đầu của chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh,” Thủ tướng nói.
“Chính quyền phải cùng lo, cùng làm, cùng chia sẻ, tăng cường đối thoại, cung cấp thông tin, tháo gỡ khó khăn; tránh thanh, kiểm tra chồng chéo; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân,” Thủ tướng chỉ đạo.
Trong phát triển, Thủ tướng lưu ý tỉnh phải đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư trong tất cả các lĩnh vực, đồng thời quản lý chặt chẽ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cả hạ tầng kinh tế và xã hội.
Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế trước hết là hai lĩnh vực kinh tế biển và nông nghiệp.
Đối với kinh tế biển gồm cảng biển, vận tải biển, hậu cần kỹ thuật và đặc biệt là du lịch, Thủ tướng mong muốn Khánh Hòa phấn đấu đưa du lịch thực sự là nền kinh tế động lực phát triển của địa phương; phấn đấu đến năm 2020 ít nhất thu hút được 10 triệu khách trong đó trên 3 triệu là khách nước ngoài; phấn đấu đưa hiệu quả từ kinh tế du lịch đóng góp từ 15-20% vào tổng GDP địa phương.
Đối với tái cơ cấu nông nghiệp, Thủ tướng gợi ý tỉnh nghiên cứu xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao để phục vụ du lịch, xây dựng khu sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Đà Lạt để nông nghiệp Khánh Hòa rõ nét hơn trong phát triển.
Thủ tướng cũng đề nghị Khánh Hòa phải có chiến lược sản xuất, cung cấp hàng lưu niệm để phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế dịch vụ; đồng thời lưu ý phát triển dịch vụ hậu cần quốc phòng gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quóc, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của một địa phương có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh như Khánh Hòa.
Cũng liên quan đến các điều kiện để tiếp tục thúc đẩy du lịch phát triển, Thủ tướng yêu cầu Khánh Hòa quản lý tốt tài nguyên đi đôi với bảo vệ môi trường. Thủ tướng yêu cầu xây dựng Nha Trang thành thành phố cảnh quan, nâng cao chất lượng sống của người dân, ngày càng hấp dẫn.
Đặt vấn đề cần xây dựng môi trường chiến lược ở Khánh Hòa và Nha Trang, Thủ tướng nêu rõ: “Chúng ta phát triển du lịch tốc độ cao nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường biển, môi trường sống của người dân, khách du lịch. Đây là vấn đề lâu dài ở Khánh Hòa, là bài toán rất hóc búa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường mà Khánh Hòa cần phải giải quyết.”
Lưu ý Khánh Hòa đi liền với phát triển phải tăng cường quản lý quy hoạch, có sự điều chỉnh đồng bộ và phù hợp giữa hạ tầng và đô thị, Thủ tướng hoan nghênh việc một lần nữa Khánh Hòa lại quyết định di dời khu hành chính để nhường vị trí đất đẹp cho sản xuất kinh doanh, ưu tiên phục vụ phát triển du lịch và nâng cao đời sống người dân.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng giải đáp một số kiến nghị của tỉnh liên quan đến một số chương trình, dự án về hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển du lịch trên địa bàn./.