Khách du lịch Nhật Bản tham quan chùa Thiên Mụ, địa điểm du lịch nổi tiếng của thành phố Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Đầu năm là thời điểm Tết Đinh Dậu nên lượng khách đến với Huế tăng cao. Chỉ riêng trong 7 ngày Tết, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đón gần 100.000 lượt khách du lịch; trong đó có 56.902 lượt khách quốc tế, chiếm 62%. Bên cạnh đó, Thừa Thiên-Huế còn tập trung phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch để thu hút du khách.
Công tác quảng bá du lịch được chú trọng, nhất là thị trường ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, tập trung vào các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp, Anh, Nga, Mỹ và Canada. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng thay đổi phương thức xúc tiến, quảng bá tại các hội chợ du lịch, đặc biệt các hội chợ du lịch quốc tế với sự tham gia chủ lực của các doanh nghiệp du lịch để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mua bán, trao đổi với các đối tác tại hội chợ. Tỉnh chủ động tham gia một số hội chợ du lịch quốc tế về thị trường du lịch trọng điểm nhằm tiếp cận và phục vụ nhu cầu thông tin mạnh mẽ hơn đối với thị trường khách quốc tế.
Gần đây nhất, các tình nguyện viên Nhật Bản trong chương trình phối hợp giữa tỉnh Thừa Thiên-Huế với Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đến làm việc tại Sở Du lịch tỉnh này, góp phần tích cực cho công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch Thừa Thiên-Huế đến với du khách Nhật Bản (xây dựng website www.vietnamhuekanko.com dành riêng cho thị trường khách Nhật Bản). Do đó, thị trường khách du lịch Nhật Bản là một trong những thị trường trọng điểm của ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hiện nay, Nhật Bản xếp thứ 8 trong top 10 của lượng du khách quốc tế đến Huế.
Trong năm 2017, tỉnh còn tập trung nâng cấp website du lịch Thừa Thiên-Huế với 2 thứ tiếng Việt và Anh; liên kết với website quảng bá du lịch của Tổng cục Du lịch, các địa phương trong cả nước và các thành phố quốc tế có mối quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh để cung cấp thông tin và quảng bá du lịch Thừa Thiên-Huế. Tỉnh tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật như: mở rộng các tuyến đường tiếp cận các điểm du lịch, nâng cấp tuyến đường ven biển; xây dựng một số bến thuyền du lịch đầm phá; vận động triển khai chiếu sáng mỹ thuật ở các công trình cao tầng trên địa bàn thành phố Huế; thúc đẩy tăng cường tần suất các chuyến bay hiện có, mở các tuyến bay mới đến Singapore và các thị trường du lịch trọng điểm trong nước để thu hút khách du lịch đến với Cố đô Huế.
Đáng chú ý, từ ngày 22/4/2017, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ tiến hành mở cửa tham quan “Đại Nội về đêm” cho du khách, thời gian từ 19-22 giờ, nhằm tạo thêm một điểm nhấn trong hành trình tham quan di sản miền Trung ở Việt Nam. Giá vé vào ban đêm được tính như ban ngày (tức là 120.000 đồng/người đối với khách Việt Nam và 150.000 đồng/người đối với khách quốc tế).
Đến với chương trình “Đại Nội về đêm,” du khách có nhiều cơ hội được trải nghiệm thú vị cùng Di sản Huế; trong đó là những trải nghiệm khó quên về cảnh sắc lung linh của Hoàng cung Huế xưa từ Ngọ Môn, cầu Trung Đạo, hồ Thái Dịch đến Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh…; những trải nghiệm ấn tượng về các nghi thức cung đình xưa như lễ Đổi gác, trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc…; trải nghiệm thú vị về các hoạt động diễn xướng như Cấm vệ quân luyện võ, các bài bản múa cung đình, các chương trình âm sắc hoàng cung cùng các trò chơi cung đình được tái hiện; những trải nghiệm văn hóa Huế qua các trưng bày ấn tượng về 5 di sản thế giới ở Huế cùng các trưng bày chuyên đề tại các di tích.
Đến với chương trình “Đại Nội về đêm,” du khách còn được trải nghiệm về nghề truyền thống Huế, các hoạt động dịch vụ tại Phủ Nội vụ, cung Trường Sanh, cung Diên Thọ.
Năm 2017, tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu thu hút từ 3,5-3,7 triệu lượt khách, với doanh thu khoảng từ 3.700-3.800 tỷ đồng…/.