Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sự đột phá bước đầu cho giai đoạn 2017-2020. Phát triển đồng bộ, bền vững, chất lượng cao, chuyên nghiệp, xứng tầm là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Bên cạnh đó, tập trung kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu, tạo điểm nhấn và có sức ảnh hưởng đối với du lịch toàn tỉnh và tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt chú trọng sản phẩm văn hóa di sản, xây dựng sản phẩm mới có tính đặc trưng và có sức cạnh tranh cao. Đồng thời chú trọng tăng trưởng ổn định chỉ tiêu về lượng khách, tăng mạnh về chỉ tiêu doanh thu du lịch thông qua các thị trường khách có đẳng cấp, chi tiêu cao. Phấn đấu năm 2017, tỉnh sẽ đón được khoảng 3,5 đến 3,7 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 2 triệu, doanh thu từ du lịch đạt 3.700 đến 3.800 tỷ đồng.
Để đạt được các mục tiêu trên, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch. Trong đó, nâng cấp tuyến đường ven biển từ Thuận An đến Tư Hiền, tuyến đường cụm lăng Minh Mạng – Gia Long, xây dựng một số bến thuyền du lịch đầm phá (Đầm Chuồn, Cồn Tộc…), nâng cấp một số tuyến trong nội thị thành phố Huế… Thúc đẩy tăng cường các chuyến bay hiện có và mở tuyến bay mới đến một số thị trường du lịch trọng điểm. Khuyến khích xây dựng các cơ sở lưu trú 4 – 5 sao, mô hình homestay tại các điểm du lịch cộng đồng; tích cực kêu gọi hỗ trợ các thủ tục pháp lý để triển khai nhanh các dự án du lịch có quy mô lớn, các khu vui chơi giải trí cao cấp, các trung tâm thương mại, resort, sân golf…
Tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng như văn hoá di sản, phát triển các loại hình sản phẩm mới dựa trên tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Đổi mới mô hình quản lý Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế, Trung tâm Festival Huế theo hướng xã hội hóa để nâng cao hiệu quả hoạt động. Mở cửa Đại Nội và triển khai các dịch vụ về đêm; phát triển du lịch tâm linh tại các cơ sở tôn giáo Điện Hòn Chén, Đền Huyền Trân…, các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề, nhà vườn, các loại hình vui chơi giải trí, mua sắm…
Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng phù hợp với thực tế, tập trung ở các trung tâm du lịch đầu mối như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang và các thị trường quốc tế trọng điểm, chú trọng quảng bá trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế, các trang mạng quốc tế và xã hội… Đồng thời, thay đổi phương thức xúc tiến, quảng bá tại các hội chợ du lịch, đặc biệt là hội chợ du lịch quốc tế. Nâng cao hiệu quả website du lịch Thừa Thiên Huế ít nhất 2 thứ tiếng Việt và Anh với tên miền bằng tiếng Anh (huetourism.gov.vn), liên kết với website quảng bá của Tổng cục Du lịch…
Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch với việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho các doanh nghiệp, cộng đồng nhằm hướng tới sự chuyên nghiệp, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho khách du lịch. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch kết nối với các cơ sở đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng. Ngoài ra, hỗ trợ các khóa tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng du lịch tại vùng biển, đầm phá bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Hoàn thiện môi trường du lịch và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch dịch vụ, trong đó tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, niêm yết công khai giá dịch vụ, đảm bảo hệ thống nhà vệ sinh công cộng sạch và tiện nghi, giải quyết dứt điểm vấn đề chèo kéo, ăn xin tại các điểm du lịch đông người. Tiếp tục triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thừa Thiên Huế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời triển khai bộ quy tắc ứng xử du lịch và phát động tuyên truyền để bộ quy tắc đi vào thực tế./.