Cảng Chân Mây
Tăng 40% so với năm 2016
Theo Công ty CP cảng Chân Mây, những năm gần đây, lượng khách du lịch bằng tàu biển cập cảng tăng nhanh. Năm 2014, cảng đón 48.294 khách và thủy thủ; sang năm 2015 đón 78.246 khách và thủy thủ; năm 2016 đón 86.356 khách và thủy thủ và năm 2017, dự kiến số lượng khách cập cảng tăng mạnh, tăng khoảng 40% so với năm 2016, với 150.522 khách và thủy thủ đoàn sẽ cập cảng (đã đăng ký chính thức).
Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Chân Mây cho biết, do chỉ mới có một cầu cảng nên cả tàu du lịch và tàu hàng phải dùng chung. Khi tàu du lịch vào, được ưu tiên nên các tàu hàng phải di chuyển ra ngoài. Do nhiều tàu vừa mới bốc hàng xong, dù đã có làm vệ sinh nhưng sẽ không thể tránh khỏi bụi bẩn còn bám ở cầu cảng. Để khắc phục, công ty đã mua một xe hút bụi chuyên dụng để tăng cường khả năng làm vệ sinh, vừa giảm ngắn thời gian dọn vệ sinh vừa có thể tăng tần suất các tàu ra vào cảng.
Hiện nay, cảng Chân Mây tự tin có thể đón được tàu du lịch lớn nhất thế giới. Vừa qua, Công ty CP cảng Chân Mây trang bị thêm một cầu thang chuyên dụng, đưa khách lên và xuống tàu an toàn hơn. Thời gian đến, cảng phối hợp với đối tác để xây dựng nhà ga. Nhà ga này hoạt động như nhà ga sân bay, kết hợp với các quầy hàng lưu niệm, các sản phẩm đặc trưng của Huế, giới thiệu ẩm thực…
Ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch cho rằng, khách du lịch đi bằng tàu biển đa số là khách hạng sang. Để có một chuyến đi dài ngày trên biển, đến nhiều quốc gia thì phải bỏ ra số tiền rất lớn. Gần đây, khách đến cảng Chân Mây rồi di chuyển lên TP. Huế tham quan đã tăng chứ không chỉ ở lại trên tàu hoặc đi vào Đà Nẵng. Đây là điều kiện để ngành tăng cường các giải pháp phát triển, khi mà du lịch tàu biển đang trở thành sản phẩm ăn khách hàng đầu trên thế giới hiện nay và trong tương lai.
Thông thường, lịch trình tàu biển khi đến miền Trung sẽ ghé cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), sau đó đến cảng Chân Mây hoặc ngược lại. Thời gian qua, phía Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có nhiều phối hợp với các đơn vị tổ chức tour tàu biển để giới thiệu các sản phẩm. Tại đây, ca Huế, các món ăn đặc trưng của Huế và một số sản phẩm khác đã có dịp giới thiệu đến khách trong suốt thời gian tàu di chuyển đến hai cảng với nhau.
Đưa khách lên phố và tiêu tiền
Dù tỷ lệ khách cập cảng Chân Mây, sau đó di chuyển lên TP. Huế tham quan có tăng, nhưng thực tế chỉ chiếm khoảng 10 – 20%. Trong khi đó, khách vẫn chủ yếu vào Đà Nẵng hoặc ở lại trên tàu. Ông Trịnh Hoài Nguyên, Phó Giám đốc Công ty Saigontourist chi nhánh Huế cho biết, khoảng cách xa giữa cảng Chân Mây và TP. Huế là lý do chính khiến du khách và các đơn vị làm tour ít đưa khách lên tham quan. Trong khi đó, thời gian cập cảng chỉ khoảng nửa ngày nên càng khó để các đơn vị làm tour điều phối thời gian phù hợp.
Theo các hãng lữ hành, để là một điểm dừng chính trong hải trình đòi hỏi Huế phải có những sản phẩm thực sự hấp dẫn và có trung tâm mua sắm đẳng cấp. Điều này phần nào được khắc phục khi Đại Nội mở cửa về đêm. Theo ông Nguyên, rất nhiều tàu cập cảng Chân Mây vào buổi tối, ở lại một đêm và sáng mai tiếp tục hành trình. Do Đại Nội không mở cửa vào khoảng thời gian này nên nhiều khách không muốn lên TP. Mặt khác, Vincom Huế đang được xây dựng, dự kiến sẽ có trung tâm mua sắm. Đây sẽ là điểm mua sắm đáp ứng nhu cầu của khách.
Một động lực nữa để thu hút các tàu du lịch là cầu cảng thứ hai của cảng Chân Mây đã được phê duyệt thi công. Ông Huỳnh Văn Toàn cho biết, cầu cảng thứ hai vừa mới có quyết định xây dựng vào đầu tháng 3 và sẽ được thi công sớm nhất có thể. Cùng với nhà ga, hy vọng thời gian đến cảng Chân Mây sẽ được nhiều hãng tàu lựa chọn cập cảng, đưa khách đến Huế nhiều hơn.
Cần đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch ở các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế, nhất là phân khúc thị trường khách du lịch tàu biển là rất cần thiết. Theo Saigontourist, thông tin du lịch Huế đến với du khách trên tàu còn đơn điệu, chưa tạo được ấn tượng đối với du khách. Ngành du lịch Huế cần chủ động làm việc với các hãng tàu, các công ty lữ hành để Huế là sự lựa chọn trong kế hoạch xây dựng điểm đến trên cung đường du lịch tàu biển quốc tế.
Ngoài ra, thủ tục cấp phép thông quan cần phải nhanh gọn, tránh tình trạng chồng chéo gây phiền hà cho khách. Giảm chi phí vào cảng Chân Mây cũng được các hãng tàu đề cập, theo Saigontourist, phí vào cảng Chân Mây cao hơn so với cảng Tiên Sa, là khó khăn cho việc các công ty lữ hành và các hãng tàu chọn Chân Mây để cập cảng./.