Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, Tuyên Quang được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hải Anh cho biết: “Ngành du lịch tỉnh Tuyên Quang đã có những bước đột phá mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Sau sáu năm, từ năm 2010 đến 2016, lượng khách đến Tuyên Quang tăng gần gấp ba lần. Năm 2010, chỉ có khoảng 500 nghìn lượt khách du lịch đến Tuyên Quang nhưng năm 2016 đã có khoảng 1,4 triệu lượt và chỉ tính riêng đầu năm 2017 đến nay, Tuyên Quang đã thu hút hơn 400 nghìn lượt khách. Ngành du lịch của tỉnh đang phấn đấu đến năm 2020 đạt hơn 1,7 triệu lượt khách du lịch. Với đà tăng trưởng như hiện nay, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tin tưởng sẽ vượt chỉ tiêu một cách ngoạn mục”.
Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quy hoạch tổng thể để phát triển du lịch từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Với những cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch được triển khai, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế du lịch – dịch vụ như các dự án của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Tập đoàn VinGroup cùng các dự án phát triển Khu đô thị nghỉ dưỡng Sông Lô; Khu du lịch sinh thái Núi Dùm, Phiêng Bung; Khu du lịch sinh thái Nà Hang với diện tích rừng nguyên sinh gắn với hơn 8.000 ha mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang… Với rất nhiều điểm tham quan về nguồn cách mạng cùng các lễ hội lớn trong năm, Tuyên Quang đã và đang dần trở thành một điểm đến ưa thích của du khách trong nước và nước ngoài.
Thời gian tới, UBND tỉnh Tuyên Quang sẽ thực hiện quy hoạch tổng thể 138 di tích và cụm di tích thuộc vùng bảo vệ di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào theo hướng bảo tồn nguyên trạng; giữ nguyên bố cục không gian, kiến trúc cảnh quan và tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di tích đã mất; hợp tác hai tỉnh Bắc Kạn và Hà Giang phát triển du lịch, đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối các tuyến, tua du lịch nhằm khai thác tối đa tiềm năng phát triển du lịch giữa các bên. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” nhằm tạo môi trường đầu tư thuận tiện, hấp dẫn cho các nhà đầu tư, cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư đối với những dự án trọng điểm trong các lĩnh vực: du lịch, dịch vụ, thương mại và nông, lâm, ngư nghiệp…
Một trong những vấn đề lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang rất quan tâm trong phát triển du lịch là việc bảo vệ môi trường theo hướng quản lý chặt chẽ, có hiệu quả, tiết kiệm, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất đai, khoáng sản, tài nguyên rừng…). Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch. Quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Vũ Phan cho biết: “Tỉnh chú trọng đầu tư bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên bởi Tuyên Quang hiện có hơn 41.000 ha rừng đặc dụng cùng với rất nhiều khu bảo tồn thiên nhiên. Do đó, các sở, ban, ngành phải có những kế hoạch và giải pháp bảo vệ đồng bộ, nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên hai huyện Na Hang và Lâm Bình đang xây dựng hồ sơ, trình UNESCO công nhận trở thành di sản thế giới. Khi đó, việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái tại đây sẽ rất nghiêm ngặt. Giữ được rừng, nguồn nước, cảnh quan môi trường tự nhiên chính là điều kiện phát triển bền vững cho sự phát triển du lịch của tỉnh”.
Thu hút tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, khai thác hiệu quả các thế mạnh tài nguyên thiên nhiên và nhân văn trong khi chú trọng bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đó là hướng phát triển du lịch bền vững mà Tuyên Quang đang nỗ lực phấn đấu./.