Cùng với nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều từ hành khách, các hãng hàng không truyền thống đã và đang liên tục tăng số lượng máy bay phục vụ, các hãng hàng không giá rẻ chào đời hàng loạt…, trong khi các sân bay ngày càng rơi vào tình cảnh quá tải.
Hãng bay nào lớn nhất thế giới?
Phát triển trước nhất nên mãi cho đến hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Vì thế, không ngạc nhiên khi biết 4 hãng hàng không hàng đầu thế giới hiện nay vẫn thuộc về Mỹ. Hồi trung tuần tháng 5, OAG (viết tắt của Official Airlines Guide – tổ chức chuyên về hàng không thế giới) công bố kết quả cuộc nghiên cứu rất công phu, tỉ mỉ (từ số máy bay, mạng lưới đường bay qua lượng hành khách vận chuyển đến tỷ lệ số chuyến bay đúng giờ…) cho thấy: trong khoảng thời gian 12 tháng (tính đến tháng 2/2017), nếu chỉ tính về số lượng ghế cung ứng thì hãng hàng không lớn nhất thế giới là American Airlines với 250.762.625 ghế; vận chuyển được 201.837.166 lượt hành khách bay nội địa và quốc tế với 2.300.432 chuyến bay (chỉ số đúng giờ 78,40%), phục vụ 57 quốc gia và lãnh thổ tại 6 châu lục. Để lập được những con số đáng nể này, American Airlines (đã sáp nhập thành công với US Airways) có 934 máy bay các loại và đã đặt mua 285 máy bay (chủ yếu loại thân hẹp, một lối đi).
American Airlines, hãng hàng không lớn nhất thế giới
Xếp từ hạng 2 đến hạng 4 trong Top 20 hãng hàng không lớn nhất thế giới (tính đến tháng 2/2017, theo OAG) là ba hãng của Mỹ khác: Delta với trên 223,9 triệu ghế; Southwest (hãng vé rẻ đầu tiên trong lịch sử hàng không thế giới) với trên 195,8 triệu ghế và United với trên 177 triệu ghế. Trong 4 “gã khổng lồ” hàng không Mỹ này thì chỉ có United là đã có trên 10 năm bay đến TP. HCM trước khi ngừng hẳn cách nay khoảng một năm; Delta thì đã sớm ngưng bay chỉ sau thời gian khai thác ngắn. Phần American Airlines, nhờ thông qua các hợp tác liên danh với các hãng khác tại châu Á, nên lâu nay vẫn được nhiều hành khách Việt Nam chọn khi cần bay đến các thành phố lớn trên lãnh thổ Mỹ.
Ở hạng 5 là một hãng vé rẻ khá thành công tại 33 nước châu Âu, Bắc Mỹ. Đó là Ryanair với trên 126,5 triệu ghế cung ứng, 669.329 chuyến bay vận chuyển hơn 111,25 triệu lượt hành khách với 371 máy bay thân hẹp. Ngoài ra, có hai hãng vé rẻ khác cũng hiện diện trong danh sách 20 hãng bay lớn nhất thế giới, gồm EasyJet (Mỹ) xếp hạng 9 và Lion Air (Indonesia) xếp hạng 19.
Theo giới chuyên ngành, chỉ vài năm nữa, Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ, trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới. Hiện tại, Trung Quốc có 3 hãng đang nằm trong danh sách của OAG là China Southern Airlines (trên 115,76 triệu ghế, xếp hạng 6), China Eastern Airlines (gần 110 triệu ghế, xếp hạng 7) và Air China (80,37 triệu ghế, xếp hạng 11). Riêng tại Việt Nam, China Southern hiện là hãng hàng không ngoại quốc lớn nhất với nhiều chuyến bay và đường bay nhất (Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc). Hãng vừa mừng 25 năm khai thác đường bay Quảng Châu – TP.HCM hồi trung tuần tháng 5 mới đây.
Thứ hạng của các hãng còn lại trong Top 20 là Turkish Airlines xếp hạng 8, Lufthansa xếp hạng 10, LATAM (Chile/Brazil) xếp hạng 12, Emirates (Dubai) xếp hạng 13, British Airways xếp hạng 15, Air Canada xếp hạng 16, Air France xếp hạng 17, Japan Airlines xếp hạng 18, Aeroflot xếp hạng 20.
Những sân bay nhiều hành khách nhất
Hiện nay, từ TP.HCM, một doanh nhân lữ hành cần bay nhanh đến Los Angeles (Mỹ) để tham dự cuộc họp quan trọng có duy nhất một khó khăn. Đó là làm sao chọn được hãng bay tốt nhất về giờ cất cánh và giờ hạ cánh, thời gian bay, số lần dừng chân… và giá vé hạng thương gia của hãng nào cạnh tranh nhất. Vì hầu như tất cả các hãng hàng không lớn ở châu Á đều có đường bay từ TP.HCM đến LAX (ký hiệu mà ICAO đã cấp cho sân bay quốc tế này).
Sân bay quốc tế Los Angeles, Mỹ
Đó là các hãng Air China (bay từ Bắc Kinh), All Nippon Airways (bay từ Tokyo – Narita) và Japan Airlines (từ Osaka và Tokyo – Narita), Asiana Airlines và Korean Air đều từ Incheon, Seoul, Cathay Pacific (từ Hồng Kông), China Airlines và Eva Air (từ Đào Viên, Đài Bắc) qua China Eastern (từ Thành Đô và Thượng Hải – Phố Đông), China Southern (từ Quảng Châu), Philippine Airlines (từ Manila và Cebu) đến Singapore Airlines (từ Changi). Còn phải kể đến những Hainan Airlines, Sichuan Airlines, Xiamen Air đều của Trung Quốc. Và chỉ vài tháng nữa, cả Thai Airways và Malaysia Airlines cũng sẽ tái lập đường bay nối kết thủ đô của nước họ với LAX. Rồi cũng sẽ có cả Vietnam Airlines, khi Việt Nam được FAA Mỹ cấp chứng nhận Category 1 (dự kiến trong năm 2018).
LAX chính là cổng vào hàng đầu của nước Mỹ và là một trong những sân bay lớn, tấp nập nhất thế giới. Theo số liệu mới được Airport Council International – một tổ chức chuyên nghiên cứu về sân bay, hàng không thế giới – công bố hồi trung tuần tháng 5, LAX xếp hạng 4 trong số 20 sân bay quốc tế xử lý nhiều hành khách nhất trong năm 2016 (tính gộp cả hành khách bay nội địa lẫn bay quốc tế). Nhưng tấp nập nhất thế giới vẫn là sân bay Hartsfield-Jackson ở Atlanta, thủ phủ bang Georgia của Mỹ với trên 101 triệu hành khách./