Nếu du khách đến Điện Biên mà không được thưởng thức hương vị ẩm thực đặc sắc của đồng bào Thái thì coi như chưa đến. Phải ăn một miếng thịt nướng, bốc một nắm xôi dẻo, thơm ngon… do đồng bào Thái nơi đây chế biến mới cảm nhận được hết đặc sản từ Điện Biên.
Trong mâm cơm người Thái có rất nhiều món ăn, nhưng để có một món nướng ngon, đậm đà hương vị với cách chế biến cầu kỳ, lạ mắt, giàu chất dinh dưỡng làm mê hoặc lòng người, điều quan trọng nhất là khâu lựa chọn thực phẩm, nguyên liệu (ớt, tỏi, gừng, muối…) ướp phù hợp với từng loại thịt, đặc biệt không thể thiếu “mắc khén”. Trong rất nhiều món nướng thì món: Thịt lợn (nhớ mu) cuốn lá nướng, cá nướng (pa pỉnh tộp) là được thực khách ưa chuộng hơn cả. Để có được món thịt nướng cuốn lá thơm ngon, chúng ta thường lựa chọn thịt vai, tươi, đảm bảo chất lượng băm nhỏ, tẩm gia vị và rau thì là, hành tươi trộn đều, ướp khoảng từ 20 – 30 phút, cuốn lá chuối hoặc lá dong. Sau đó, dùng kẹp tre tươi đặt lên than hồng, than củi tự nhiên nên khi chín, thịt rất thơm, ăn không ngán.
Món “pa pỉnh tộp” cá nướng, thường dùng các loại cá to, như: Chép, trôi, trắm… mổ lưng, để ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ; tẩm ớt tươi nướng, nghiền nát, đặc biệt nguyên liệu không thể thiếu đó là “mắc khén” để cá ngấm gia vị, cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn, nâng chén rượu để “au hẻng – cạn chén”, “hảo hặn – chúc sức khoẻ” và bắt tay nhau thật chặt, một phong tục đẹp thể hiện sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi đây. Đặc biệt, với nguyên liệu là cá, người Thái có thể chế biến ra nhiều món ăn khác nhau, đặc trưng và ngon. Điển hình, như: “pà mọ”, “pa giảng”… Do dặc thù vùng cao, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp, khi nhà có khách, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng lại cho thơm và thưởng thức.
Một món khác nữa mà không thể nhắc tới đó món “cạy pho” rêu nướng. Do cuộc sống gắn liền với sông, suối nên người Thái thường lấy rêu từ những con suối trong. Rêu sau khi được làm sạch, bà con thường trộn hạt dổi, mắc khén cùng ớt, gừng, củ xả, giềng… Dùng lá dong rửa sạch để gói rêu và gia vị nẹp lại bởi thanh tre nhỏ, vùi vào tro ấm “Không than, không lửa, không hơ khói…), bao giờ lá dong cháy tí tách thì bày ra đĩa ăn với cơm nắm…
Với những hương vị thuần túy, mộc mạc, nét đặc trưng trong từng món ăn đã góp phần tô điểm cho bức tranh muôn màu của cộng đồng người Thái Điện Biên. Những năm qua, ẩm thực dân tộc Thái là sản phẩm hấp dẫn, món ăn tinh thần góp phần không nhỏ thu hút du khách về với Điện Biên…/.