Bún đỏ
Sở dĩ món ăn có tên bún đỏ cũng bởi màu sắc đỏ đặc trưng của nước dùng. Một tô bún nóng hổi đầy ắp, trên mặt là gạch cua, trứng cút, một ít tóp mỡ. Lại thêm một chút mắm tôm tim tím màu hoa cà, ớt xay và rau cần trụng. Tất cả nguyên liệu hòa phối tạo nên hương vị tuyệt vời. Món ăn sẽ càng ngon hơn khi bạn thưởng thức trong buổi sối se lạnh ở Buôn Ma Thuột.
Món đặc sản Buôn Ma Thuột này ngon nhất phải kể tới quán vỉa hè ở ngay góc đường Lê Duẩn – Phan Đình Giót.
Bánh canh cá dằm
Đây là món ăn ngon có tiếng ở Buôn Ma Thuột. Cái ngon của bánh canh không chỉ nằm ở thứ nước dùng ngọt, chua, cay ca. Mà còn ở độ chất của những khúc cá thu mềm thơm, không có một chút xương nào. Đặc biệt, dù bạn có dầm nát miếng cá thu hòa lẫn cùng nước dùng thì bát bánh canh cũng không bao giờ bị tanh nồng. Trái lại còn thấy ngon hơn và hấp dẫn hơn. Ngoài cá thu dầm thì một tô bánh canh đầy đủ còn có thêm chả, bao tử cá, khúc giò heo lớn. Để thưởng thức món ăn này, bạn có thể tới các quán trên đường Bà Triệu, Lê Thánh Tông hoặc Hai Bà Trưng…
Cà đắng
Trước đây cà đắng chỉ là loại cà mọc dại khá nhiều ở trên nương rẫy và rừng. Ngày nay, người dân đã đem cà về trồng trong vườn nhà và có quanh năm. Cà có gai và màu xanh sọc đốm trắng và đặc biệt là hương vị đắng đặc trưng. Người ta có thể chế biến cà đắng thành nhiều món ăn khác nhau: nấu cùng cá tươi, tép khô, cá khô hay thịt rừng. Nhiều người Ê Đê còn sử dụng cà đắng để ăn sống bằng cách giã nát ra rồi cho vào muối ớt, lá é, bột ngọt…
Đọt mây
Cũng là đặc sản Buôn Ma Thuột mang vị đắng đặc trưng, nhưng không phải cà đắng. Đó là những đọt mây mọc hoang chằng chịt trong rừng. Người ta chỉ chọn lấy những đọt mây non tơ, bụ bẫm, dài khoảng ba bốn gang tay. Để chế biến, đọt mây được tước bỏ phần lá, nướng mềm rồi xé nhỏ từng sợi. Những sợi đọt mây nấu với cá, thịt, mắm… đều trở thành những món đặc sản thơm ngon hấp dẫn.
Măng le
Cây le thuộc họ tre nứa và là giống cây khá điển hình ở vùng đất Tây Nguyên này. Cây có sức phát tán rất mạnh mẽ và có sức sống dẻo dai kì lạ. Măng le mọc lên từ phần ngọn của cây có thể dùng tươi hoặc đem cắt lát và phơi khô. Măng le cũng thuộc loại ngon nhất trong số những loại măng rừng phổ biến như măng trúc, măng tre…
Măng le có vị ngọt bùi, không bị đắng chát, rất thích hợp để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn. Phải kể tới đó là: măng trộn, măng nấu thịt vịt, măng le xào gan…
Rau dầm tang
Nếu cà đắng, đọt mây mang hương vị đăng đắng thì đặc sản rau dầm tang lại ngọt bùi. Ẩn mình dưới suối vào sáu tháng mùa khô, đến mùa mưa lại cựa mình trỗi dậy. Những mầm rau xanh biếc, vươn dài như thể trong thời gian mùa khô nó đã tích tụ biết bao dưỡng chất của đất, của nước để chờ ngày khai nẩy. Ấy thế nhưng rau dầm tang lại trông khá nuột nà, mong manh. Cọng rau giòn dễ gãy, lá như lá răm và cũng dễ bị bầm úa, tổn thương. Bù lại rau có vị ngọt bùi khó tả.
Muốn ăn dầm tang phải nấu nhừ lên cùng nhiều loại thực phẩm như măng le, củ mài và nấm. Khi ăn vào có vị bùi nơi đầu lưỡi, một lúc sau thấm ngọt nơi cổ họng. Đó thực sự là một trải nghiệm khó quên khi hương vị khai mở cho người ăn cảm giác đủ đắng, cay, ngọt, bùi trong chỉ một món ăn.
Lẩu rau rừng
Tuy gọi là lẩu nhưng món lẩu rau rừng này giống món canh hơn. Món đặc sản đặc biệt này có đến 10 loại lá rừng được lựa chọn để nấu cùng với thịt các loại hoặc tôm khô. Những người dân tộc Ê Đê đã sáng tạo ra món lẩu rau rừng này khi phải đối mặt với một cuộc sống khó khăn. Để có đồ ăn, họ đã phải vào rừng để tìm kiếm những loại lá khác nhau về để nấu canh. Trải qua thời gian dài món ăn đã trở thành đặc sản và thu hút được nhiều du khách thưởng thức. Du khách tới du lịch Buôn Ma Thuột có thể thưởng thức món ăn đặc sản này tại nhiều nhà hàng trên khắp thành phố.
Lẩu cá lăng
Cá lăng thịt rắn chắc và thơm ngon nổi tiếng này có thể được dùng để chế biến thành nhiều món khác nhau. Tuy vậy món ăn ấn tượng nhất để sử dụng cá lăng đó chính là món lẩu cá lăng. Vào những ngày nắng thì đây là một trong những món lẩu có thể “giải nhiệt” mùa hè. Khi thưởng thức lẩu bạn cũng có thể ăn kèm với bún đỏ Buôn Ma Thuột.
Ngoài lẩu cá lăng, cá lăng chế biến kho tộ hay canh riêng cũng đều là những món ngon vô cùng hấp dẫn.
Cá bống thác kho riềng
Cá bống ở Tây Nguyên thường sinh sống ở trong những dòng thác đổ và chúng cũng chỉ thích nghi được ở trong môi trường này. Khi chế biến người ta sẽ bỏ vào chút muối để ướp cho cá cứng lại rồi dùng riềng đã rửa sạch đem giã nhỏ. Sau đó tất cả nguyên liệu được cho vào nồi đun. Hương thơm ngào ngạt của cá kết hợp với riềng và gia vị hòa quyện với nhau hấp dẫn. Thực khách chỉ ngửi thôi cũng đã thấy thèm.
Bánh ướt thịt nướng
Bánh ướt miền Bắc gọi là bánh cuốn, là món ăn không xa lạ. Nhưng bánh ướt thịt heo ở Buôn Mê Thuột lại khác. Sự lạ lẫm và thú vị của món ăn đến từ chính cách thưởng thức, khiến thực khách có cảm giác như đang ăn một món gỏi hay cuốn mà lá nem chính là bánh ướt.
Món ăn gồm nhiều nguyên liệu: bánh ướt, thịt nướng, dưa chuột, xoài xanh sắt sợi, dưa chua, rau thơm, nước mắm ớt… Khi ăn thực khách cuộn tất cả nguyên liệu vào trong bánh ướt. Sau đó chấm với nước mắm đậm đà. Hương vị quả thật thơm ngon mà lại lạ miệng.
Để thưởng thức món ăn này, du khách có thể tới phố Trần Nhật Duật ở Buôn Ma Thuột.
Bò nhúng me
Có lẻ chỉ nghe tên thôi đã đủ hấp dẫn vị giác. Món ăn gồm những miếng thịt bò thái mỏng nhúng trong nước me chua ngọt. Khi thưởng thức, thực khách dùng thêm cả bánh mì ăn kèm. Hương vị chua ngọt của sốt me, thơm lừng của tỏi phi và vị mềm thơm của thịt bò… Tất quả hòa quyện khiến bạn ăn mãi chẳng ngán.
Bánh chiên
Dù không phải đặc sản Buôn Ma Thuột nổi tiếng nhưng lại rất phổ biến với các em học sinh tại đây. Sau mỗi giờ tan trường, đám học sinh lại ùa ra cổng trường để thưởng thức món bánh nóng hổi. Bánh chiên thơm phức được cắt nhỏ, thêm chút tương ớt cay cay. Dân giã mà lại thơm ngon bất ngờ./.