làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa, (phường 5, Thành phố Tân An, tỉnh Long An), hàng
trăm năm qua đã nức tiếng khắp Nam Bộ với sản phẩm bánh tráng truyền thống.
Đến làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa,
dọc đường làng, ngõ xóm, hàng trăm tấm phên tre phơi bánh tráng được giăng mắc
khắp nơi tạo nên một khung cảnh rất đặc trưng. Không chỉ vậy, tiếng “tách,
tách…” nghe thật vui tai từ những chiếc bánh tráng đang khô vì nắng cũng là âm
thanh đặc trưng của làng nghề.
Hiện tại, tính cả các hộ làm bánh
tráng thủ công và làm bằng máy, làng nghề có gần 100 hộ còn giữ nghề. Trên vùng
đất này, phần lớn thời gian trong năm là thời tiết nắng ráo nên rất thuận tiện
cho việc phơi bánh, một công đoạn quan trọng của nghề làm bánh tráng.
Bánh tráng của làng nghề Nhơn Hòa được làm theo cách truyền thống
được nhiều nơi biết đến vì bí quyết làm bột, cách pha bột trộn gia vị và giữ
được hương vị thơm đậm của bột dẻo, dai, không sử dụng hóa chất và giá cả hợp
lý. Hiện làng nghề thường sử dụng loại gạo 504 với độ khô vừa phải mà vẫn giữ
được hương vị đặc trưng của bánh tráng. Sản phẩm bánh tráng Nhơn Hòa khá đa
dạng với đủ loại tùy theo yêu cầu khách hàng. Làng nghề chính là nguồn cung cấp
bánh tráng cho tỉnh Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và khắp các tỉnh Nam Bộ.
Mỗi tấm phên sau khi được xếp đầy
bánh tráng thì có một người túc trực để đem đi phơi. Việc phơi bánh cũng phải
được tính toán kỹ để tùy theo độ nắng mà bánh tráng được phơi bao lâu cho đủ
nắng. Thường thì nắng to, bánh chỉ phơi trong vòng 5 phút là phải đưa vào ngay,
nếu quá thời gian, bánh sẽ bị vỡ vì quá giòn. Đến chiếu tối khoảng 5 giờ, bánh
tráng được phơi một lần nữa (phơi sương) là đạt yêu cầu, trước khi mang vào gỡ
ra, đóng gói và đưa đi tiêu thụ.
Từ nhiều năm nay, nhiều hộ gia
đình ở làng nghề bánh tráng Nhơn Hòa đã đầu tư máy móc vào quy trình làm bánh
tráng cho năng suất cao hơn, giải quyết việc làm cho hàng chục nhân công lao
động nhàn rỗi tại địa phương. Hiện chính quyền địa phương cũng đang có nhiều dự
án phát triển nghề làm bánh tráng truyền thống cho người dân ở Nhơn Hòa. Điều
này không chỉ góp phần gìn giữ làng nghề mà còn đóng góp không nhỏ vào việc
phát huy tiềm năng truyền thống của địa phương./.