Bến đò tại khu danh thắng Tràng An.
Tràng An mang nhiều nét nguyên sơ và huyền bí, có hồ nước, sông, suối và rừng núi đa dạng địa hình và sinh thái, không khí trong lành, làng quê yên tĩnh. Cảnh quan nơi đây thật đẹp và ngoạn mục với những núi đá vôi (Karst) dạng nón muôn hình vạn trạng, bao quanh là những thung, trũng, hố sụt tròn và dài, các lớp trầm tích, hang ngầm và sông ngầm cùng vô vàn hang động. Các bồn trũng và thung lũng ngập nước liên thông với nhau bởi các dòng chảy qua các hang động với nhiều hang xuyên núi, tạo cho trần hang có dạng “xâm thực rãnh” do dòng chảy và các nhũ đá, măng đá, cột đá, rèm đá. Các nhà địa chất quốc tế khẳng định đây là một thí dụ điển hình cho tháp đá vôi nhiệt đới ẩm ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển địa mạo, và là một mô hình để nhận biết và so sánh với các khu vực khác trên thế giới. Hòa quyện với cấu trúc và vẻ đẹp của cảnh quan Karst là thảm rừng nhiệt đới nguyên sinh bao trùm, quanh năm có sương sớm, mây chiều, khí núi tạo ra một phong cảnh mê hoặc lòng người. Những ngôi chùa, đền, phủ cổ kính tựa mình bên vách đá với mái ngói rêu phong, thâm trầm, chứa đựng yếu tố tâm linh đặc sắc, mang đậm đặc trưng tín ngưỡng bản địa.
Có thể nói, Tràng An là vùng đất văn hóa giao thoa với sự kỳ diệu, bí ẩn của thiên nhiên, và cũng là nơi mà văn hóa được cải biến bởi những điều đó, một hình mẫu nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian ở khu vực Đông – Nam Á trải qua hơn 30 nghìn năm phát triển. Tràng An lưu giữ giá trị lịch sử và văn hóa vô giá, kho thông tin nguyên vẹn về lịch sử cư trú của loài người trong khu vực Đông – Nam Á với các bằng chứng về sự tương tác, thích ứng của con người trong điều kiện biến đổi về địa lý và sự khắc nghiệt nhất của môi trường trong lịch sử trái đất, đặc biệt là những biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng. Trong các cuộc nghiên cứu khảo cổ học và việc phục dựng môi trường cổ đã hé lộ chuỗi phát triển văn hóa và hoạt động của người cổ trong mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất. Đến thế kỷ thứ 10, cư dân Tràng An không ngừng phát triển bản sắc văn hóa của họ trong sự hòa hợp chặt chẽ với cảnh quan thiên nhiên. Cùng những nhân tài ở mọi miền đổ về, họ xây dựng lên kinh đô đất nước, đắp thành, khép kín thung lũng Hoa Lư để phục hưng văn hóa, lập ra ba triều đại đầu tiên trong nền phong kiến độc lập, tự chủ, làm tiền đề hun đúc Văn minh Đại Việt.
Kể từ thời điểm được vinh danh là di sản thế giới, với trọng trách nặng nề, đồng thời cũng là vinh dự to lớn, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật và Công ước của UNESCO về quản lý, bảo tồn di sản. Ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Hoạt động du lịch, dịch vụ được tổ chức, quản lý khoa học theo hướng bền vững; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được bảo đảm. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch ngày càng được chú trọng, luôn đổi mới về hình thức và nội dung. Tràng An chính là nơi khơi nguồn cảm hứng và trở thành điểm đến của du khách trên toàn thế giới, của các cơ quan thông tấn, báo chí, các hãng làm phim, các nhà khoa học và đặc biệt là của nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến tham quan và làm việc tại Việt Nam. Các hoạt động này góp phần tích cực nâng cao hình ảnh, thu hút khách du lịch đến Tràng An. Riêng trong năm 2016, số lượng khách du lịch đến Ninh Bình ước đạt 6,5 triệu lượt, tăng hơn 29% so với năm 2015.
Tại Hội nghị lần thứ 40 của Ủy ban di sản thế giới của UNESCO được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 9 đến 21/7 và tại Pháp từ ngày 23 đến 27/10 vừa qua, kế hoạch quản lý di sản, bản đồ điều chỉnh ranh giới và Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đã chính thức được Ủy ban thông qua. Đây là kết quả quan trọng ghi nhận những nỗ lực và khẳng định cam kết của tỉnh Ninh Bình trong việc thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của Ủy ban di sản thế giới, đồng thời ghi nhận những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An trên phạm vi toàn cầu.
Để giữ vững danh hiệu và phát huy có hiệu quả các giá trị của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong thời gian tới, Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đang tập trung triển khai thực hiện nhiều nội dung, trong đó chú trọng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với di sản; thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc các quy định của UBND tỉnh trong quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản; kế hoạch quản lý di sản, quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, Công ước di sản thế giới và các yêu cầu, khuyến nghị của UNESCO. Ban quản lý sẽ tập trung hoàn thành tổ chức xác định tọa độ, điểm góc, cắm mốc phân định ranh giới vùng lõi và vùng đệm của di sản; thực hiện đánh giá môi trường chiến lược khu di sản, áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý di sản, đặc biệt là áp dụng hệ thống quản lý thông tin địa lý GIS. Một công tác quan trọng khác là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng và lợi ích của danh hiệu di sản thế giới, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước để từ đó có những hành động đúng đắn cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững, có trách nhiệm.
Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An đã và đang phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong nước và quốc tế trong việc hỗ trợ nghiên cứu, xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học về khảo cổ học, địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học. Đồng thời, Ban quản lý cũng chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, đơn vị tổ chức, tham gia các sự kiện văn hóa, du lịch, các hội nghị, hội thảo về văn hóa du lịch, các hãng làm phim và các công ty lữ hành trong và ngoài nước đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh, các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản cũng như các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn để thu hút du khách đến với các điểm du lịch trong phạm vi quần thể danh thắng.