Vai Miếu chỉ có tác dụng ngăn nước suối để dâng lên một độ cao nhất định đủ để cho nước chảy vào mương. Muốn có nước chảy vào ruộng mùa cạn phải đắp đập làm hồ chứa nước. Hồ Gò Miếu thuộc xã Ký Phú, Đại Từ, hồ hứng nước của lưu vực suối Ký Phú, rộng 17km2. Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, Nhà nước đã bỏ ra gần 40 tỷ đồng để xây dựng đập hồ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với trữ lượng trên 5tỷm3 nước, hồ cung cấp nước tưới cho 4 xã Ký Phú, Cát Nê, Văn Yên, Vạn Thọ.
Được xây dựng ở thượng nguồn nên nước đổ vào hồ là nước tinh khiết, trong xanh, sạch sẽ và mát rượi, vì thế hồ còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh. Đi thuyền trên mặt hồ, du khách sẽ đến một vùng đá lô nhô ngâm mình trong dòng nước trong vắt. Sắc xanh của Tam Đảo, của cây rừng ven hồ soi bóng xuống đáy nước, tạo ra một cảnh sắc huyền diệu.
Đi trên thuyền, du khách sẽ được nghe người dân địa phương kể một huyền thoại về hồ Gò Miếu và vùng đất Ký Phú. Huyền thoại kể rằng xưa kia vùng đất Ký Phú nghèo lắm, nhưng Tết đến mọi nhà vẫn gói bánh chưng để thờ Tết và vui xuân. Vị thần ở Ký Phú có một cái nồi đồng lớn để ở đáy vực, ai muốn mượn về luộc bánh cứ việc đến khấn là nồi nổi lên, luộc xong bánh phải mang trả nồi và để vào trong nồi một cái bánh gọi là lễ tạ, cứ thế thỏa thuận giữa thần và người, dân trong vùng không ai phải lo nồi luộc bánh ngày Tết. Thế rồi trong vùng có một lão nhà giàu nhưng tham lam keo kiệt khi đem trả nồi đã đặt vào trong một chiếc bánh gói bằng đất. Từ đó nồi đồng lặn mất, cầu khấn mãi cũng không nổi lên. Hóa ra làm ăn với người hay với thần cũng phải thành thật. Câu chuyện như một lời răn dạy từ ngàn xưa vọng về không bao giờ là xưa cũ trong cuộc sống hôm nay. Từ Hồ Núi Cốc có thể đi thuyền, đi ô tô, qua vùng núi Văn núi Võ lịch sử là đến Hồ Gò Miếu./.