Hai bên đường đến chân thác là những cánh rừng xanh, chằng chịt dây leo. Thỉnh thoảng, du khách có thể nghe tiếng gà gáy, chim bồ chao, cu gáy, bìm bịp kêu… Đi chừng khoảng 20 phút, âm thanh của núi rừng hòa cùng tiếng thác đổ ầm ào từ xa vọng lại nghe như giai điệu trầm bổng hùng hồn.
Dừng chân ngồi dưới những tảng đá bàn, du khách có thể ngắm mây trời, ngọn thác trắng xóa dài đến 12m tựa như dải lụa mềm vắt ngang cánh rừng xanh còn nguyên sơ. Khung cảnh nơi đây chẳng khác nào như thác Prenn Đà Lạt (Lâm Đồng). Nếu như thác Prenn làm cho du khách ngẩn ngơ, gợi trí tưởng tượng như “chiếc áo dài tiên nữ, bay về đâu còn vướng lại bên đồi” thì thác Lệ Trinh cũng không kém gì.
Thác Lệ Trinh bắt nguồn từ núi Cao Muôn qua những cánh rừng già, nên nguồn nước không bao giờ cạn. Vào mùa thu rừng thay lá, trôi theo dòng suối tạo thành chất mùn làm thức ăn quanh năm cho bao loại cá. Nhờ đó mà dòng suối nhỏ đã bao bọc cơ man nào là cá chình, lươn, chạch, tôm, cua đá nằm trong các khe, hang sâu. Những tảng đá nhỏ tạo thành ghềnh thác là nơi trú ngụ của loại cá niên – đặc sản của suối nguồn Ba Tơ. Dưới lòng suối còn có vô vàn ốc đá bám vào đá. Thức ăn chính của ốc là rong rêu nên khá sạch.
Theo con suối, du khách có thể bắt ốc đem vào nhà dân nấu với rau ranh là có ngay món ăn ngon, bổ dưỡng. Những trưa hè, hay đêm trăng thanh cứ nhâm nhi hút từng con ốc, ngồi nghe những câu chuyện gắn liền với dòng suối Lệ Trinh, với đội quân du kích Ba Tơ năm xưa, du khách như không còn khái niệm về thời gian.
Những câu chuyện đầy ắp tình người được một lần nghe già Phạm Đức Trinh, có nhà ngay bên chân suối kể chắc chắn sẽ làm xao động bao trái tim. Câu chuyện vẹn tròn một tình yêu, chuyện cái tên gắn liền với con suối cũng sẽ lần lượt được già Trinh kể lại rất rành rọt, làm bạn không thể rời tai.
Ngoài thắng cảnh đẹp, dòng suối còn tưới mát những cánh đồng cho bao mùa vàng trĩu hạt. Âm thanh của dòng thác luôn đổ rì rầm như giai điệu hùng hồn nơi đại ngàn, khiến cho ai một lần đến mãi không quên.
Bài, ảnh: MAI HẠ