Con đường bê tông dẫn vào làng uốn lượn dưới những hàng cau và tán cây sưa rợp bóng cùng đủ loại cây ăn quả trứ danh ở đất Tiên Phước như lòn bon, thanh trà, quýt…. Trong làng còn trên 10 ngôi nhà cổ có niên đại từ 80 đến 150 năm tuổi. Nhiều ngôi nhà vẫn còn giữ nguyên vẹn cấu kiện kiến trúc truyền thống 3 gian 2 chái, kết cấu vì kèo tam đoạn với đường nét điêu khắc trang trí tinh xảo, bên trong là các dụng cụ sinh hoạt gia đình như trường kỷ, bàn vuông, phản ngựa, hoành phi, câu đối như minh chứng về một thời hào phú của các cư dân sinh sống trên vùng đất này. Ngoài ra, Hội An còn có ngôi đình làng gần 200 năm tuổi, thờ cúng các vị tiền hiền, những người có công khai khẩn lập làng, đây cũng chính là ngôi đình làng cuối cùng còn sót lại của Tiên Phước hiện nay. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp đình là nơi dân quân du kích địa phương chọn làm căn cứ chỉ huy, họp bàn kế hoạch đánh địch. Sau ngày giải phóng đình không chỉ thờ cúng tiền hiền mà còn là nơi hương khói các linh hồn liệt sĩ vô danh nên càng được nhân dân trong vùng ngưỡng vọng.
Ấn tượng nhất của du khách khi đến Hội An chính là không gian cảnh quan mát mẻ, nơi chỉ có tiếng lá vàng rơi khẽ và tiếng ve ngân nga trong những trưa hè. Để khai phá tiềm năng du lịch, thời gian qua xã Tiên Châu đã xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2015 – 2020 tầm nhìn 2030 mục tiêu lấy phát triển du lịch sinh thái làng quê làm chủ đạo nhằm đánh thức vẻ đẹp của các địa danh như thác Ồ Ồ, thác Vực Miếu, thác Ổ Diều, Đá Bàn, hang ông Hợm… Ngoài ra, những khu vườn đầy cây trái và món ngon ẩm thực địa phương như lòn bon, thanh trà, tiêu, mật ong rừng, rau ranh nấu ốc đá, chuối chần, cá sông Tiên, cháo ốc đá suối Ồ, cua đá Nà Lau, rau mít trộn, gà ta thả vườn… hứa hẹn cũng sẽ là những đặc sản đãi khách ghé đến nơi đây./.