Vào thế kỷ 16, những người dân gốc Thanh Hoá trên đường theo chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) vào vùng Thuận Hoá (này là 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) khai hoang lập nghiệp, đã dừng lại tại khu vực làng Thanh Thủy Chánh bây giờ để dựng làng và đặt tên là Thanh Toàn. Đến thời Vua Thiệu Trị (1841-1847), do từ Toàn viết theo tiếng Hán giống từ Tuyền (tên húy của Vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Tuyền) nên tên Thanh Toàn đã được đổi thành Thành Thuỷ. Sau đó, làng được đặt tên chính thức là Thanh Thủy Chánh nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là Thành Toàn.
Làng Thanh Thủy Chánh hiện có khoảng 3.000 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Những lúc nông nhàn, người dân địa phương còn làm thêm các nghề phụ như chằm nón, làm bánh, rèn các đồ nông cụ…
Đến Thanh Thủy Chánh, ngoài dịp ngắm nhìn khung cảnh làng quê yên bình, tìm hiểu đời sống hàng ngày của dân làng, du khách còn được khám phá nhiều kiến trúc cổ đặc sắc, trong đó nổi bật là di tích cấp quốc gia cầu ngói Thanh Toàn bắc qua một nhánh nhỏ của dòng sông Như Ý.
Cầu ngói Thanh Toàn do bà Trần Thị Đạo cúng tiền để xây dựng vào năm 1776. Bà Trần Thị Ðạo là vợ một vị quan cao cấp dưới triều Vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) nhưng không có con. Để cầu tự, bà đã làm phước bằng cách cho xây dựng chiếc cầu gỗ để dân làng qua lại thuận tiện. Đây cũng là nơi để lữ khách tạm dừng chân nghỉ ngơi. Để ghi nhớ công ơn của bà, dân làng đã lập bàn thờ bà trên cầu. Cầu được kiến trúc kiểu “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) theo hình dáng chiếc cầu vồng với chiều dài 17m, rộng hơn 4m, chia làm 3 gian. Cầu có mái che được lợp ngói ống tráng men. Hai bên thân cầu có 2 dãy bục gỗ và lan can để du khách tựa lưng ngồi nghỉ ngơi.
Tại khu vực đầu cầu ngói Thanh Toàn có phiên chợ quê họp hàng ngày bên 4 gốc đa cổ thụ xanh mát. Đây còn là địa điểm sinh hoạt văn hóa của dân làng. Vào mỗi dịp Festival Huế (diễn ra 2 năm một lần cuối tháng 4 đầu tháng 5 những năm chẵn), khu chợ quê Thanh Toàn lại trở thành địa điểm tổ chức chương trình “Chợ quê ngày hội” với các hoạt động chính như: trình diễn các thao tác sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; trình diễn các nông, lâm, ngư cụ; trình diễn các hoạt động sản xuất (chằm nón, đan lát, giã gạo); trình diễn các trò chơi dân gian (bài chòi, bịt mắt đập om, chọi gà, vượt cầu khỉ, đua thuyền)… Ngoài ra, đến “Chợ quê ngày hội”, du khách còn được xem các chương trình giao lưu văn nghệ, thơ ca đậm chất dân gian; thưởng thức các món ăn mang hương vị đặc trưng xứ Huế.
Cuối năm 2014, nhằm góp phần bảo tồn và mở rộng không gian văn hóa của làng Thanh Thủy Chánh, một nhà trưng bày đã được xây dựng với chức năng giới thiệu các hiện vật, hình ảnh theo bốn chủ đề: lịch sử và văn hóa làng Thanh Thủy Chánh; nghề nông; đánh bắt cá và đời sống thường ngày. Đến với nhà trưng bày, du khách có thể ngược dòng lịch sử để tìm hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và phát triển của làng Thanh Thủy Chánh.
Thanh Hải