Khám thờ
Chúng ta dễ bắt gặp khám thờ trong những ngôi nhà cổ xưa có thiết kế dạng 3 gian 2 chái ở Phú Quý. Khám được làm bằng gỗ, một số ít làm bằng xi măng. Một khám thờ ở Phú Quý đầy đủ thường được gọi là khám thờ kép. Ở phía mặt trước và trên cùng gọi là tấm mày. Mày được khắc 2 con rồng đối xứng nhau. Bên dưới mày là chân quỳ, chạm khắc hoa văn tượng trưng cho tứ quý (tươi đẹp bốn mùa) và dễ thấy nhất là 2 trụ long đăng ở hai bên, tượng trưng cho 2 cột nhà. Từ trên xuống dưới của long đăng, chạm trổ hình rồng uốn lượn ôm lấy thân trụ, tiếp theo là các khung tà, bao gồm khung tà trước, khung tà giữa và khung tà sau. Phần ngoài cùng hai bên gọi là cánh quạt, người ta chạm trổ các hình ảnh, hoa văn của 4 con vật: “Long, lân, quy, phụng”… ngoài ra các góc cạnh của khám còn được trang trí, chạm trổ cũng rất công phu.
“Tổ đường” hoặc “phước đường”
Khám thờ có 2 tầng, tầng trên thờ các vị thần phù hộ cho gia đình bình an, tầng dưới thờ ông bà, tổ tiên. Điều rất quan trọng ở phần dưới, người ta khắc 2 chữ Hán cỡ lớn để khi nhìn vào phân biệt nhà trưởng nam hay thứ nam. Nhà trưởng nam thường khắc 2 chữ “tổ đường”, còn nếu nhà thứ nam thì có chữ “phước đường”.
Nghệ nhân làm khám thờ
Trên đảo có 3 cơ sở làm khám thờ. Người làm lâu năm, tay nghề thuộc loại “tên tuổi” là ông Trần Thiện Nghiệp (47 tuổi), trú tại thôn Đông Hải, xã Long Hải. Ông cho biết: “Tôi là đời thứ 3 kế thừa nghề này của dòng họ. Nhờ nghề mà có thu nhập, con cái được học hành đến nơi đến chốn”.
Người làm nghề phải sáng tạo, tỉ mỉ, ngoài việc biết chạm trổ các hoa văn, đòi hỏi phải biết phối màu sơn… Hiện nay để có được một chiếc khám thờ hoành tráng trong gia đình, người có nhu cầu phải bỏ ra khoảng 20 triệu đồng. “Mọi hoa văn, hình vẽ rồng, phụng trên mặt khám không có khuôn mẫu sẵn, đòi hỏi người làm nghề phải nhiều kinh nghiệm mới thực hiện được”.
Khám thờ của người Phú Quý là nét đẹp văn hóa của một vùng đảo. Người làm khám thờ cũng là một nghệ nhân điêu khắc./.