dừng hoạt động, nhưng nhờ được Nhà nước quan tâm hỗ trợ bằng nhiều hình
thức như đầu tư khung dệt, tranh thủ dự án phát triển nghề… nên hiện nay
nghề truyền thống dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer xã Văn Giáo, huyện
Tịnh Biên, tỉnh An Giang, đã sôi động trở lại, làm ra nhiều sản phẩm độc
đáo phục vụ khách du lịch trong, ngoài tỉnh và vươn ra thị trường quốc
tế như Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Đức, Thái Lan, Campuchia…
Bà Neáng Nhây, một phụ nữ Khmer đã 73 tuổi, ở
ấp Sraysa Koth (xã Văn Giáo) là nghệ nhân giàu kinh nghiệm trong nghề
dệt thổ cẩm ở vùng Bảy núi cho biết: Văn Giáo là cái nôi nghề dệt thổ
cẩm của đồng bào Khmer. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, đồng
bào phải tản cư xuống vùng Sóc Trăng, Trà Vinh, làm mai một nghề dệt.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, trở về quê nhiều phụ nữ Khmer có “tâm
huyết” nhớ nghề, muốn khôi phục lại nghề và được nhiều hộ Khmer hưởng
ứng. Cuối năm 1998, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh An Giang đã tranh thủ tổ
chức CARE (Australia) triển khai dự án “khôi phục làng nghề dệt thổ cẩm
Văn Giáo” hỗ trợ toàn bộ chi phí mua thuốc nhuộm, mở lớp nâng cao kỹ
thuật nhuộm tơ, xử lý nước thải, trang bị 57 khung dệt, khung bắt chỉ,
nồi nhuộm, lược dệt… Đến tháng 1/2002, đáp ứng nguyện vọng của chị em,
duy trì bền vững nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xã đã thành lập “Hợp
tác xã dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo” để có địa chỉ cố định cho các nghệ
nhân dệt thổ cẩm vùng Bảy Núi tìm về.
Ngay từ buổi đầu thành
lập, Hợp tác xã đã thu hút 84 xã viên và được địa phương hỗ trợ vốn ban
đầu 116,42 triệu đồng để chị em bắt tay vào làm nghề. Chị Lê Kim Khá –
Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Với quyết tâm trụ vững, Hợp tác xã luôn
chú trọng cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, kết hợp truyền thống với hiện đại,
để sản phẩm đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng và định hướng vươn ra
thị trường quốc tế. Hợp tác xã đã tranh thủ sự trợ giúp của Sở Công
Thương định kỳ mỗi năm tổ chức 1 – 2 lớp dạy nghề dệt, kỹ thuật nhuộm,
chuyên môn hóa các công đoạn dệt, nhuộm tơ…; tham gia các kỳ hội chợ
trong nước và ở Campuchia… để giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng,
mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện còn hỗ
trợ Hợp tác xã thành lập “Trung tâm cộng đồng làng nghề dệt” và nhà
trưng bày sản phẩm dệt của các xã viên.
Không phụ lòng tin tưởng,
sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, các nghệ nhân đã khéo léo, tỉ
mỉ chăm chút cho từng sản phẩm, từ chọn màu sắc, nhuộm tơ đến kỹ thuật
dệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không ngừng sáng tạo ra 50 họa tiết
hoa văn, có nội dung rất phong phú dựa trên các truyện cổ tích, dân
gian, khắc họa lại lịch sử truyền thống, sinh hoạt đời thường của đồng
Khmer trên đất Việt như hình Phật Thích Ca, lồng đèn, bông dâu, hình vẩy
rồng, hình voi, tranh hình tượng trên lụa… để tạo màu sắc, chất lượng
cho sản phẩm thổ cẩm óng ả , chắc, đẹp, bền, họa tiết hoa văn sắc sảo
mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Từ sản phẩm dệt còn tranh thủ làm ra
trên 40 mặt hàng túi xách, nón, khăn tay, ví, áo gối, khăn trải bàn…
trong đó có 2 mặt hàng chính thống là khăn choàng và vải xà rông, phục
vụ nhu cầu đa dạng của nhiều đối tượng, nên rất dễ tiêu thụ.
Sản phẩm thổ cẩm của đồng
bào Khmer Bảy Núi được dệt từ loại tơ tằm đặc biệt của huyện Bảo Lộc
(tỉnh Lâm Đồng), hoàn toàn dệt thủ công nên bắt mắt du khách, nhất là
khách quốc tế đến tham quan mua sắm tại Hợp tác xã. Bên cạnh đó, sản
phẩm còn được bán ký gửi tại Bảo tàng Dân tộc học Hà Nội, các nhà hàng
khách sạn, các khu du lịch lớn tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha
Trang, Bà Rịa – Vũng Tàu và vươn ra thị trường quốc tế như Hoa Kỳ, Đức,
Campuchia…
Dệt thổ cẩm Văn Giáo là
nghề lao động nhẹ nhàng, phụ nữ trung niên hay lớn tuổi đều làm được,
chủ yếu là dệt tại nhà nên có thể tranh thủ vừa làm nghề, vừa làm ruộng,
trông nhà, dạy dỗ con cháu. Hiện nay, Hợp tác xã đã thu hút 70 hộ với
143 xã viên. Các hộ làm nghề chủ yếu lấy công làm lãi, nên giá bán không
cao, từ 200.000 đồng đến trên 3 triệu đồng/sản phẩm tùy loại, trừ chi
phí bình quân thu nhập của mỗi xã viên khoảng 2 triệu đồng/tháng, bổ
sung thêm cho nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp, giúp phụ nữ Khmer xã
biên giới Văn Giáo có việc làm ổn định, thoát nghèo và giữ gìn được bản
sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng
bào dân tộc Khmer Bảy Núi đã có hàng trăm năm nay. Năm 2012, Hợp tác xã
đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, Ủy
ban nhân dân tỉnh công nhận là Làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền
thống; tặng danh hiệu cho 2 nghệ nhân Neáng Nhây, Neàng Sà Mol đã có 7
đời sản xuất nghề dệt thổ cẩm và 3 thợ giỏi Neáng Sóc Khênh, Neáng Chanh
Ty, Neáng Sà My. Sản phẩm của làng nghề còn đạt nhiều giải thưởng của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội chợ làng nghề Việt Nam,
gần nhất là trong tháng 3/2013 sản phẩm đạt giải tại Lễ hội nghề dệt
truyền thống các nước ASEAN do Bộ Công Thương tổ chức tại tỉnh Thái
Nguyên./.