Người Bắc Giang nay vẫn còn lưu truyền chuyện kết chạ giữa hai làng: Làng Kim Thượng (xã Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội) và làng Trâu Lỗ (xã Mai Đình, Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). Chuyện rằng: Làng Kim Thượng mở hội tế thần bằng một con trâu trắng to khỏe nhất để dâng lên thành hoàng làng, cầu mong thành hoàng phù hộ cho dân làng được bình an vô sự, cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở. Buổi lễ diễn ra long trọng, đang lúc lễ tế chuẩn bị kết thúc, bỗng dưng con trâu trắng lồng lên, trực chỉ hướng Mặt trời mà chạy, rồi trâu vượt qua sông Cầu sang nằm phủ phục trước ngôi đền của làng Trâu Lỗ – nơi thờ Trương Hống và Trương Hát là hai vị anh hùng dân tộc có công giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương xâm lược.
Người dân làng Trâu Lỗ cho điều kỳ lạ đó là điềm thiêng, còn người dân Kim Thượng lại cho là điềm dữ nên đã đi dò hỏi để chuộc trâu về, biết được trâu đang ở làng Trâu Lỗ, dân làng Kim Thượng bèn cử người chuẩn bị mang 100 quan tiền và lễ vật sang chuộc trâu.
Đến chuộc lại trâu, người làng Kim Thượng với cử chỉ lịch lãm, nho nhã, người dân làng Trâu Lỗ ứng xử lại một cách đầy thiện chí và khiêm nhường: “Dạ thưa quý anh, người là vàng của là ngãi, chúng em đâu dám nhận tiền chuộc”. Từ câu chuyện con trâu trắng, vậy là, tình cảm, ơn nghĩa hai làng bắt đầu nảy sinh, qua thời gian tình cảm đó ngày càng được vun đắp, xây dựng thêm bền chặt, và kết quả là hai làng kết chạ với nhau.
Dân hai làng xưng hô với nhau một cách rất khiêm nhường gọi nhau là anh, (chị) và xưng là em, không phân biệt tuổi tác và địa vị cao thấp, trong những hoàn cảnh khó khăn đến mấy, dân hai làng đều yêu thương, đùm bọc, che chở nhau mà không bao giờ suy tính thiệt hơn.
Lịch sử hai làng Kim Thượng-Trâu Lỗ còn kể lại, vào thời kỳ diễn ra cuộc nội chiến Lê-Mạc, trai tráng hai làng Kim-Trâu lại gặp nhau nơi biên ải (Cao Bằng với thân phận phu phen) cực khổ và cũng chính ở nơi gian khó này tình nghĩa huynh đệ lại được thử thách, vun đắp thêm đầy, dân hai làng đã đoàn kết lại, đùm bọc yêu thương, nhường cơm sẻ áo cho nhau giữa chốn biên thùy đầy gian khổ.
Đó là những câu chuyện của lịch sử, còn ngày nay, giữa hai làng vẫn coi nhau như anh em trong nhà, hằng năm, Tết đến Xuân sang, đặc biệt vào ngày hội làng, hai bên lại cùng nhau tổ chức lễ đón rước vui vẻ đồng thời ôn lại truyền thống lịch sử kết nghĩa anh-em giữa hai làng, đồng thời giáo dục các thế hệ hôm nay phải biết gìn giữ, tô thắm truyền thống tốt đẹp đó của cha ông mình.
Nay ta còn gặp thêm nhiều làng chạ nữa như: Hương Câu-Phúc Linh; Trung Đồng-Thượng Đồng-Hạ Đồng; Cao Lăng-Mụa… Kết chạ quả là nét đẹp văn hóa của cư dân hai bên sông Cầu.