Trước khi lợp lá, thợ phải tết một lớp lưới sườn toàn bằng cước thơm của tàu. Làm nan nón quả là công phu.
Cầm chiếc nón nhìn kỹ, bạn vẫn không tìm ra mối chỉ. Nón ngựa nặng hơn nón ngang, lá màu vàng sẫm. Đó mới là xác nón. Phần quan trọng là trang trí. Bên trong nón được trang trí bằng cách thêu hoa văn, chữ hoặc hoa lá. Thân nón là các họa tiết, thông thường là sách bút, đôi khi là hình chim trĩ, chim công… Họa tiết thay đổi theo phẩm hàm, chức vụ. Chóp nón để trần, trên đỉnh có một chùm chỉ ngũ sắc phất phơ như bông hoa để cho người giàu dùng.
Ngày xưa, từ viên xã trưởng trở lên mới có chụp bằng đồng hay bạc. Chụp được chạm trổ theo phẩm trật. Trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn hoắt. Tất cả đều có quy ước sẵn. Quai nón to và dày, bằng lụa hay gấm. Cách buộc quai cũng khác. Giải nón dài độ 1,2m, quàng qua hai quai và thắt một lần ở dưới cằm, phần thừa tòng teng như đeo cà vạt. Có thế quai mới dễ điều chỉnh, nhất là khi đi ngựa. Trông thầy Chánh, cụ Lý cưỡi ngựa đội nón chụp bạc thật là oai. Dân làng ngại các uy của các thầy lắm nên có bài đồng dao hát vòng tròn thật hóm hỉnh:
Thầy Chánh, nón chụp bạc, áo tam giang
Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te…
Nón ngựa không bán ở chợ vì đắt giá hơn nón ngang rất nhiều. Người cần nón phải đặt hàng. Nón ngựa rất chắc chắn, công phu và mỹ thuật, đã vang bóng một thời trên quê hương Bình Định. Nón ngựa gần như một sản phẩm mỹ thuật. Ngày nay ít người dùng nên nghề chằm nón ngựa không phổ biến lắm.
Hiện nay, nghề làm nón ngựa ở xã Cát Tường, huyện Phù Cát, Bình Định vẫn được duy trì và phát triển. Làng nghề này có truyền thống đã hơn một trăm năm, trải qua biết bao thăng trầm nhưng nghề làm nón ngựa vẫn tồn tại và phát triển./.