Tính đến nay, gốm Việt Nam đã có lịch sử lâu đời trên dưới hàng vạn năm, từ thời nguyên thủy, đồ đá rồi tới kim khí, tiếp đó là thời kỳ thống trị của phong kiến phương Bắc cho đến ngày quốc gia Đại Việt độc lập…Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào cũng như ở bất kỳ dòng gốm nào, sự phát triển đều do tài hoa và óc sáng tạo của người thợ thủ công. Ngược dòng thời gian từ thời nguyên thủy, gốm giai đoạn này chủ yếu là những vật dụng hàng ngày do người dân sáng tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống như đồ đựng, đun nấu. Kỹ thuật trang trí gốm đất nung lúc này đơn giản với hoa văn vạch chéo hoặc hình sóng.
Đến thời đại kim khí, kỹ thuật bàn xoay ra đời góp phần đáng kể trong sự phát triển của gốm Việt Nam. Nhờ có bàn xoay mà công việc chế tác gốm trở nên đơn giản hơn nhiều, cũng từ đó người thợ thủ công có thể sáng tạo đa dạng hơn về kiểu dáng và đường nét trang trí làm cho các loại hình gốm càng phong phú.
Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ X, giai đoạn đất nước chịu sự thống trị của phong kiến phương Bắc. Văn hóa Việt cũng vì vậy là chịu sự ảnh hưởng của văn hóa “Hán”, dù vậy những người dân đất Việt gồm cả những thợ thủ công đã chứng tỏ ý thức tự cường để sự ảnh hưởng đến từ các nền văn hóa khác không lấn át văn hóa Việt. Giai đoạn này bên cạnh đồ đất nung, bắt đầu xuất hiện đồ sành và những sản phẩm gốm tráng men xanh nhạt với cốt gốm làm bằng đất sét trắng. Đồ gốm không còn chỉ là những vật dụng đơn giản phục vụ nhu cầu cuộc sống mà còn được sáng tạo thêm nhiều vật dụng trưng bày, trang trí với hoa văn cầu kỳ và đẹp mắt hơn.
Với sự ra đời của quốc gia Đại Việt vào thế kỷ thứ X, nước ta bước vào giai đoạn độc lập. Kinh tế – xã hội dần ổn định và phát triển dưới thời Lý- Trần ( thế kỷ XI-XIV). Kinh tế phát triển đồng nghĩa với nhu cầu sinh hoạt tăng, bên cạnh đó việc xây dựng hàng loạt công trình kiến trúc cung điện và đền chùa thời kỳ này đã đưa nghệ thuật gốm đến một tầm cao mới. Những người thợ thủ công đã vô cùng sáng tạo khi đưa hình ảnh hoa, lá, công, phượng lên các sản phẩm của họ. Thời kỳ này, gốm men ngọc cũng ra đời không chỉ làm phong phú các loại hình gốm Việt mà còn đưa vật dụng gốm trở thành một thứ hàng hóa cao cấp. Những người thợ thủ công thời Lý – Trần còn tiến xa trong kỹ thuật chế tác với kỹ thuật khắc chìm và chạm nổi trên sản phẩm. Chính những lý do đó mà sản phẩm gốm thời Lý – Trần có giá trị cao được các thương gia đến từ các nước láng giềng như Nhật Bản, Indonesia, Phillippin lặn lội xa xôi sang nước ta tìm mua.
Mặc dù vậy, thời kỳ gốm Việt Nam phát triển nhất trong lịch sử là dưới thời Lê ( thế kỷ XV-XVIII). Lúc này, nghề làm đồ gốm là một trong những nghề thủ công quan trọng đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế. Nhiều trung tâm gốm đã ra đời và được chuyên môn hóa như Làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng, Thổ Hà….Những người thợ thủ công đã không ngừng sáng tạo, tìm kiếm nhiều cách thức thể hiện khác nhau từ mẫu mã đến hình dạng gốm, kể cả những khám phá để tìm ra các loại men mới. Lúc này dòng gốm men ngọc, men hoa nâu, men hoa lam được nâng tầm với những trang trí mang chất hội họa phóng khoáng…
Cuối thế kỷ XVIII gốm Việt Nam bước vào giai đoạn suy thoái, sản xuất ở các làng nghề giảm sút do chiến tranh. Nhưng đến thế kỷ thứ XX, với tâm huyết của những người thợ thủ công yêu nghề, các làng gốm nổi tiếng lại dần hoạt động trở lại. Không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân và các vật dụng trang trí, người thợ thủ công còn sáng tạo thêm nhiều sản phẩm quà tặng bằng gốm để phục vụ du lịch. Chính nhờ tài năng, sự yêu nghề của người thợ thủ công hàng nghìn năm qua mà gốm Việt Nam đến nay vẫn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Gốm Việt vì thế cũng không còn là một món đồ dùng hay vật trang trí đơn thuần mà ẩn chứa trong đó tinh hoa, tâm huyết của những người thợ thủ công Việt Nam./.