Điểm thú vị đối với du khách khi đến Mỹ Nghiệp là có thể bắt chuyện với bất cứ ai trong làng bởi người dân nơi đây rất thân thiện, hiếu khách. Họ sẵn sàng dành thời gian trò chuyện với khách, nói về các công đoạn dệt thổ cẩm, những bí quyết tạo sắc màu cho sản phẩm cũng như những câu chuyện về đời sống văn hóa Chăm. Những câu chuyện cởi mở, thân mật cho du khách cảm giác như đang trở về làng xưa xóm cũ của mình.
Mỹ Nghiệp còn có tên gọi là làng Chăm Irahani, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Nếu không đi theo tour, du khách có thể thuê xe máy làm một chuyến phượt nho nhỏ đến Mỹ Nghiệp bởi làng cách thành phố Phan Rang chỉ trên 10km, về phía Nam theo quốc lộ 1A. Cách phố thị không xa nhưng Mỹ Nghiệp vẫn còn vẹn nguyên nét làng quê với những ruộng lúa, vườn cây, những mái nhà xưa cổ kính và mái tháp Chàm rêu phong. Địa thế của làng tuyệt đẹp- dựa vào núi Trà Bang và nằm bên dòng sông Lu hiền hòa quanh năm bồi đắp phù sa. Với thế đất ấy, Mỹ Nghiệp sớm phát triển nghề trồng trọt, nghề gốm và nghề dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp có lịch sử lâu đời. Theo truyền thuyết, thần mẹ xứ sở Ponagar đã truyền nghề này cho dân làng. Xưa kia, dân Mỹ Nghiệp trồng bông, nuôi tằm để lấy nguyên liệu dệt thổ cẩm. Để có một tấm thổ cẩm, phải trải qua rất nhiều công đoạn công phu, vất vả, từ tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập… đến nhuộm, hồ, chải… Màu để nhuộm thổ cẩm đều là màu sắc của tự nhiên. Nền đen của thổ cẩm được nhuộm từ lá chum bầu, rồi ngâm trong bùn non liên tục 7 ngày 7 đêm; màu đỏ là màu của mủ cây cánh kiến trong rừng; màu xanh nhuộm từ màu của lá và vỏ cây chàm… Để tạo nên những hoa văn tinh xảo, độc đáo, hài hòa trên tấm thổ cẩm, người dệt phải thực sự là một nghệ sĩ đầy sáng tạo, am tường về màu sắc, đường nét, hình khối. Ngày nay, theo thời gian, nghề trồng bông, nuôi tằm dần mai một và được thay thế bằng sợi chỉ công nghiệp. Dù vậy, những nghệ nhân ở Mỹ Nghiệp vẫn dệt vải theo cách thủ công truyền thống, không sử dụng máy móc, bảo lưu gần như nguyên vẹn các công đoạn thời cha ông: từ chất liệu đến hoa văn, bí quyết phối màu, màu nhuộm. Đó chính là nét độc đáo, thu hút du khách gần xa của làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.
Nằm giữa làng Mỹ Nghiệp là Nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề. Đây là công trình do chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng, nhằm góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống dân tộc Chăm. Đến thăm Nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề, du khách được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất thổ cẩm. Những người phụ nữ Chăm miệt mài bên khung cửi thực hiện thao tác “móc chỉ, lên go”, pha màu, dập vải… tạo nên một nét đẹp rất riêng cho khung cảnh thanh bình của Mỹ Nghiệp. Đặc biệt, du khách còn có thể ngồi vào khung dệt, khám phá các động tác dệt thổ cẩm để thỏa chí tò mò. Trải nghiệm mới mẻ ấy sẽ khiến du khách càng thêm phục tài những nghệ nhân dệt thổ cẩm bởi động tác dệt đòi hỏi sự phối hợp nhanh nhẹn, nhịp nhàng giữa chân, tay và mắt. Mỗi ngày, một người thợ thủ công chỉ dệt được khoảng 3- 4 mét nên để làm ra một tấm thổ cẩm 100 mét, người thợ phải làm việc hàng tháng trời.
Với kỹ thuật dệt đạt đến trình độ tinh xảo, những nghệ nhân ở làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã tạo nên những tấm thổ cẩm rực rỡ với các họa tiết đặc sắc, hoa văn khác nhau, như: hoa văn quả trám, hoa văn cách điệu hình rồng, chân chó, chân chim… Trước đây, thổ cẩm Chăm của Mỹ Nghiệp được làm ra chủ yếu phục vụ trong sinh hoạt cộng đồng. Ngày nay, theo sự phát triển của kinh tế, du lịch, thổ cẩm Mỹ Nghiệp ngày càng đi xa. Thổ cẩm Mỹ Nghiệp được dùng để may ví, túi xách, ba lô, cà vạt, áo, áo ghi lê, váy, xà-rông, khăn choàng, khăn bàn, khăn trải giường… Sản phẩm của Mỹ Nghiệp được giới thiệu ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước; được trưng bày ở các cuộc triển lãm, hội chợ quốc tế trong nước và xuất khẩu sang Malaysia, Nhật Bản, Singapore, các nước châu Âu, châu Mỹ…
Làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là một nét đẹp của văn hóa Chăm, tạo thêm sức hút cho du lịch Ninh Thuận.