Xã có nghề mây tre đan truyền thống từ lâu đời, đặc biệt nổi tiếng hơn cả là 2 làng Phúc Long và Phúc Tằng. Sản phẩm gồm có thúng, mủng, rổ, rá, dần sàng, thuyền nan…từng gắn bó với con người trong hàng ngàn đời nay. Để có những sản phẩm được thị trường tin dùng, người dân Tăng Tiến đã không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã hàng hoá. Một sản phẩm của làng nghề Tăng Tiến được tạo ra phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Chọn tre, pha nan, chẻ nan, phơi nan, đan và đặc biệt là kỹ thuật hun. Hình thức, màu của sản phẩm phải phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn này. Có 2 kiểu hun: Hun trắng và hun vàng. Hun trắng là hun bằng diêm sinh, bằng hoá chất. Tuy nhiên phổ biến hơn vẫn là kiểu hun vàng- hun bằng rơm.
Muốn cho các sản phẩm hun được bền đẹp thì nan tre sau khi chẻ phải đem phơi nắng, vò kỹ rồi mới đan. Lúc đó sản phẩm đan sẽ nuột, đẹp. Khi hun xong màu vàng óng. Nếu nan tre không phơi được nắng thì sản phẩm sẽ có màu đen trông không đẹp mắt. Thông thường hàng hoá của Tăng Tiến phục vụ trong tiêu dùng, nhưng gần đây một số nghệ nhân đã sáng tạo ra nhiều mẫu hàng mới như khung gương, mâm bồng ngũ quả…đã đem lại sự đa dạng phong phú của làng nghề này.
Hiện nay có khoảng trên 4000 lao động tham gia làm nghệ truyền thống đan sản phẩm mây tre. Sản phẩm làng nghề hiện nay có nhiều loại, không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước như: Nhật bản, Đài Loan… Qua đó hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan Tăng Tiến ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường trong nước và quốc tế, là một làng nghề thủ công gia dụng truyền thống nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang.Gần đây có nhiều đoàn khách quốc tế và các doanh nghiệp Việt nam đến thăm và trao đổi ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm. Số lượng hàng xuất khẩu chiếm hơn 70% sản phẩm của xã. Sản phẩm mây tre đan Tăng Tiến được trưng bày tại các hội chợ: Vân Hồ- Giảng Võ năm 1999, Hội chợ Hoà Bình xanh ở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2000, Hội chợ ở Nghĩa Đô Hà Nội năm 2001, được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng và các báo chí ở Trung ương và địa phương.
Đặc điểm ưu việt của nghề này là tiêu thụ ít nguyên liệu và thải ra rất phế liệu. Do vậy nguồn nguyên liệu cung cấp cho làng nghề dồi dào và ổn định đáp ứng yêu cầu khách hàng./