Lễ hội Hết Chá – bản sắc của đồng bào Thái
Khi hoa ban, hoa mạ nở cũng là dịp nông nhàn của đồng bào Thái. Để Lễ được tổ chức trên một khu đồi gần trung tâm bản. Thầy mo thông báo thời gian làm lễ cho các con nuôi, gia đình họ hàng ở các nơi, đội xòe và bà con trong bản cùng tham dự.
Từ thời xa xưa, xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường đến nhờ thầy mo. Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. Mang ơn thầy mo, nhiều người xin được làm con nuôi của ông. Và rồi, cứ mỗi dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn cho tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào tháng 3 hàng năm… Lễ hội Hết Chá từ đó mà thành. Lễ hội Hết Chá là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc, là lễ hội đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Đây cũng là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, mọi người ấm no hành phúc. Lễ hội còn thể hiện ý thức gắn kết cộng đồng dân tộc Thái, cùng nhau bước vào mùa vụ mới. Cũng từ Lễ hội Hết Chá, đã có rất nhiều đôi trai gái bén duyên, rồi nên nghĩa vợ chồng.
Theo ông Vì Văn Phịnh (bản Áng 1, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), để chuẩn bị cho nghi lễ, bà con trong bản cần 20 sải vải thổ cẩm, 20 sải vải bông địa phương, lương thực, thực phẩm… Đàn ông lên rừng chặt tre dựng cây nêu hay còn gọi là cây vạn vật (sẳng chá). Đồng bào Thái lấy cây giang già về chẻ nan; phụ nữ ghép trống, đẽo thuyền, làm hoa, đan các con vật nhuộm màu đỏ, vàng, xanh để treo lên cây nêu. Vật treo gồm: 17 trống to, 12 trống nhỏ làm bằng len, 20 trống làm bằng gỗ (cống mạy), 20 thuyền gỗ (chắn đôi), 20 con ếch đan bằng tre (tô cốp), 20 con chim đan bằng tre (tô nộc), 20 quả còn nhỏ, 1.200 con ve sầu đan bằng tre (tô chắc chắn), 400 bông hoa trắng, hoa vàng (pó píp), 5 sải vải khít… Cây nêu là thân tre bương già to, dài 3m, không bị sâu bệnh. Thân cây đục 5 tầng lỗ để cắm các cành tre treo hoa, chim muông, ve sầu, quả còn… Gốc cây nêu ghép 4 thanh gỗ làm thành chân đế, đan 4 phên xếp thành hình vuông và quây vải thổ cẩm màu đỏ, bên cạnh đặt 2 chum rượu cần.
Diễn trình lễ hội
Bắt đầu nghi lễ, thầy mo hát Chá giới thiệu với tổ tiên, sư phụ đã khuất về việc làm Chá của gia đình mình trong năm, mong muốn được phù hộ công việc suôn sẻ và hát bài “Xên Chá” mời sư phụ “Phị mun” từ trên trời xuống trần gian chứng kiến.
Thầy mo mời phụ trên về
Xuống chơi làm Chá chớ đừng quên đi
Mời cả đồ đệ phu phen
Trần gian mở hội đã quen lâu rồi
Nghe mời thầy xuống cho mau
Trăm công ngàn việc mai sau hãy làm
Xuống đây ăn tết trần gian
Vào mùa hoa mạ, hoa ban sắc màu
Sau lời mời sư phụ, thầy mo đốt nến cắm vào ngọn kiếm, tay cầm quạt, vác kiếm đứng dậy đi về bên mâm lễ mặn, giơ kiếm gắn nến soi một vòng quanh cây xẳng chá để kiểm tra rồi quay về mâm lễ chay ngồi niệm bài chú.
Sau khi cúng trên nhà sàn xong mời đại biểu cùng bà con tham gia lễ rước con ve di chuyển xuống dưới nhà sàn về cây hoa ban nhập vào cây nêu “Sắng Chá”. Từ đây thầy cúng mời trưởng làng cùng các nghệ nhân, bà con nhân dân và du khách cùng rước cây nêu “Sắng Chá” về trước sân nhà sàn cùng tham gia phần hội trong lễ hội Hết Chá.
Tiến hành nghi lễ, thầy Mo nhập tâm, “thoát xác lên trời” mời sư phụ xuống nhập vào 2 thầy cúng phụ “lãm”. Đội giúp việc nổi nhạc tắng bụ theo nhịp 2/4, 4/4. Hai ông lãm nhảy theo nhịp đấu kiếm, ông hề tay cầm mẹt đập theo nhịp tắng bụ ra cổ vũ. Hết đấu kiếm, ông lãm cầm khăn nhảy qua xẳng chá, ném cho các đôi trai gái, từng lượt nhảy múa theo nhịp tắng bụ quanh xẳng chá 3 vòng. Thầy mo dẫn sư phụ đi duyệt xẳng chá, vác kiếm đi theo nhịp tắng bụ, đến gốc cây xẳng chá dừng lại uống rượu cần, xem cây.
Con nuôi ở khắp bản trên, mường dưới lần lượt đến tặng quà “sống chướng liểng” như: gạo, gà, cá nướng, xôi, trứng, rượu trắng,… Thầy mo đang nhập hồn, cởi áo, đầu quàng khăn mọ mun, thử tấm lòng của con nuôi bằng cách lấy mũi kiếm chọc vào gói quà và đưa lên tai để nghe ngóng. Con nuôi nào thực lòng yêu quý bố nuôi, thì khi ông chọc mũi kiếm vào gói quà, đưa lên môi nếm sẽ gật đầu cười. Sau đó, ông dạy bảo con nuôi. Lời cúng thể hiện bằng hát dân ca, gọi là khắp chá, với làn điệu lúc vui nhộn, khi du dương sâu lắng, rạo rực, đệm thêm tiếng sáo mo “pí mun”.
Độc đáo các trò vui hội
Phần hội diễn ra sôi nổi, các trò chơi, trò diễn được mô phỏng lại cuộc sống bình dị thường ngày của đồng bào dân tộc thái trong suốt quá trình dựng bản, dựng Mường và xây dựng đời sống mới. Với nhiều hình ảnh được tái hiện vô cùng dí dỏm, sinh động như: một chuyến đi săn, một buổi lên nương, một buổi đi bắt cá, hay một lần lên rừng lấy măng… và ấn tượng hơn cả là hình ảnh tập trâu cày ruộng, nhắc về nền văn minh lúa nước của dân tộc ta từ xa xưa với những kinh nghiệm hay trong sản xuất.
Bên cạnh đó, là những làn điệu dân ca, điệu múa dân gian và cảnh sinh hoạt đời thường được các nghệ nhân gửi gắm qua các tiểu phẩm ngắn, sinh động ẩn hiện trong vòng xòe lễ hội Hết Chá. Các hoạt động này còn phản ánh chân thực sức sống mãnh liệt của dân tộc Thái trước cuộc sống lao động và sự đấu tranh sinh tồn giữa con người với cuộc sống thiên nhiên.
Không khí lễ hội càng thêm sôi động bởi âm thanh của nhạc cụ tăng bu và điệu múa xòe của những cô gái Thái duyên dáng trong trang phục truyền thống, bước đi uyển chuyển, nhịp nhàng.
Điều đặc biệt trong lễ hội Hết Chá của đồng bào Thái chính là nam giả nữ, nữ giả nam để tái hiện những nghề nghiệp, những nét sinh hoạt vô cùng phong phú và bình dị, mang đặc trưng của cư dân lúa nước.
Đến với lễ hội Hết Chá tại “Ngôi nhà chung”, du khách còn được tham gia vào các trò chơi dân gian, môn thể thao dân tộc và hoạt động văn hóa văn nghệ và thưởng thức nét ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Tất cả đã tạo nên không khi vui tươi, sôi nổi thu hút rất đông du khách từ khắp mọi miền đến tham gia và trải nghiệm./.