Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những nhận định một cách tổng quát về thành tựu, kết quả và tiến trình nghiên cứu về di sản của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm. Các ý kiến đều cho rằng, từ năm 2008, kể từ sau đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày đức vua Trần Nhân Tông nhập Niết bàn tới nay, việc nghiên cứu thảo luận về Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm đã khởi sắc và xuất hiện ngày càng nhiều thành tựu, đã có sự quan tâm của các nhà nghiên cứu thuộc giới tu hành cũng như các học giả, người hâm mộ trong và ngoài nước. Số lượng bài viết ngày càng nhiều, góc độ đề cập ngày càng phong phú. Càng đi sâu vào thế giới di sản của Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm, người ta càng khám phá thêm những giá trị quý báu.
Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập số 1717/QĐ-TTg ngày 01/9/2016 với tôn chỉ được xác định là nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, chuyên sâu về Phật học, di sản Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm và các vấn đề văn hóa học thuật có liên quan. Mục tiêu nghiên cứu và đào tạo của Viện là bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc lâm.