Các thầy cúng đang thực hiện nghi lễ tại lễ bỏ mả.
Dân tộc Raglai là một trong năm tộc người thuộc ngữ hệ Malayo – Peoolinêdi ở Việt Nam, sinh sống lâu đời trên các vùng núi Nam Trường Sơn Tây Nguyên thuộc các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Trong quá trình sinh tồn và phát triển, người Raglai đã có những nghi lễ, tập tục, tín ngưỡng văn hóa dân gian vô cùng phong phú và đa dạng.
Trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình “Giấc mơ Chapi”, diễn ra tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, cộng đồng dân tộc Raglai thôn Động Thông, xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận đã trình diễn trích đoạn lễ bỏ mả có Kago của đồng bào dân tộc Raglai.
Kago là một dạng lâu thuyền và được sử dụng trong nghi thức bỏ mả của người Raglai. Thuyền Kago là thế giới tâm linh của con người hiện tại với thế giới bên kia, là biểu tượng cho nơi trú ngụ của ông bà ở thế giới bên kia…
Người Raglai quan niệm rằng: Có hai thế giới song song tồn tại là thế giới của người sống và thế giới của người đã khuất. Khi người chết đã được chôn cất vẫn còn mối quan hệ với người sống, bởi linh hồn của người chết vẫn còn lẩn khuất trong cõi nhân gian nên phải làm lễ bỏ mả để chấm dứt mối quan hệ này. Đây là nghi thức quan trọng nhất trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai – lễ chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết để người chết trở về với thế giới vĩnh hằng.
Theo luật tục, thầy cúng trong lễ bỏ mả phải có 3 người, biểu thị cho ba phần của cơ thể: đầu, mình, chân. Thầy cúng chính luôn đứng ở chính giữa hai người khác, được gọi là Yanuh jalat, là người chỉ đường, chỉ thức ăn, đồ uống… cho ma. Thầy cúng sử dụng cây “gậy thần” (gai toah) được làm từ ngày có người chết.
Để chuẩn bị tổ chức lễ việc dựng mới nhà mồ có Kago, gia chủ phải chuẩn bị một con trâu khỏe mạnh; ủ rượu cần; nhiều bó cây, lá chùm bầu và tre, nứa để dựng rạp mả, dựng chòi cao để chứa các loại thịt. Rạp mả dựng sàn bằng nứa đập dập hoặc bằng nan tre đan, chỉ cao hơn mặt đất vài mươi phân, và được dựng sát bên hông nhà chính.
Ngày thứ nhất, khoảng 1 – 2 giờ sáng, đoàn người của gia tộc theo ba vị thầy cúng, mỗi người cầm một cây đuốc, khiêng kago, đội lễ vật (gồm cơm, hạt nổ, bánh trái, gà, trầu cau, rượu…) đi đến nhà mồ. Đến nơi, kago được đưa lên cột chắc ở trên nóc nhà mồ. Lễ vật được bày ra trước nhà mồ để cúng mời tổ tiên và “mả” đã được giải thoát.
Ngày thứ hai, theo chỉ dẫn của thầy cúng, những người đàn ông trong gia tộc đem các loại cây ngắn ngày như dứa, mía… trồng chung quanh nhà mồ. Cây trồng cho người đã khuất thì trồng phần ngọn xuống đất, còn trồng cho người đang sống thì trồng phần gốc xuống đất. Bây giờ có hai người phụ nữ ngồi dưới đất, cầm 4 chéo vải trắng giăng dưới mái nhà mồ. Thầy cúng cầm một bát hạt giống lúa và bắp vãi lên nóc nhà mồ, với ý nghĩa đền ơn cho katrao (chim cu) ăn. Những hạt từ mái nhà mồ rơi xuống đất xem như katrao cho lại. Sau lễ cúng, mả được thầy cúng cầm gai toah múa mả, chỉ đường cho mả cùng về theo đoàn rước. Lúc này ở nhà, người thân đã cử ra hai tốp người trong gia tộc trải chiếu ở giữa đường để đón mả về làng. Trên chiếu trải ra trên mặt đất người ta đặt sẵn rượu, thuốc, trầu cau, để đón mừng mả dừng lại nghỉ chân, trước khi về đến nhà. Mả được rước vào rạp mả, ngồi vào Jakuk. Người nhà ra hết nơi rạp mả để mả có thể nhìn thấy từng người. Sau đó người ta cúng lớn để đãi cho mả ăn uống thỏa sức trước buổi chia ly.
Nghi lễ khiêng giỏ mả ra treo lên nóc nhà mồ.
Ngày thứ ba ở rạp lễ, lễ vật gồm thịt trâu, thịt heo luộc để nguyên con, xắt lát, thịt gà, cơm, bánh tét, bánh tráng, chuối chín, cam, quít, xoài, nho, dứa, rượu cần, rượu trắng… Thầy cúng và thân nhân mỗi người bỏ một ít lễ vật dâng cúng vào giỏ mả, làm lương thực đi đường về với tổ tiên của ma. Sau nhiều đợt cúng và đưa thức ăn vào giỏ mả mà mỗi người trong gia đình đều phải bỏ vào một ít, sau đó, người nhà dọn một mâm cơm thịnh soạn, có đủ ba thầy cúng và những người thân. Sau bữa ăn đoàn tụ cuối cùng, mọi người theo ba vị thầy cúng đi ra rạp mả cúng tế lần cuối, rồi tất cả đi quanh các mâm lễ, đi quanh nhà để cho mả nhìn thấy gia cư của mình ở thế gian lần cuối.
Hai người đàn ông khiêng giỏ mả đi về phía nhà mồ, giữa đường dừng lại, đặt giỏ mả xuống đất. Thầy cúng chính khấn báo lần cuối với ma: Mọi thủ tục đã chu tất, bây giờ đã đến lúc người và ma phải chia tay nhau, để ma mang quà tặng của gia đình về ở xứ ma, nguời đang sống về lại với gia đình. Khấn báo xong, thầy cúng cầm gai toah đưa ra sau lưng, xoay một vòng rồi bẻ gãy gai toah làm đôi, ngụ ý âm – dương hai đường cách biệt. Gai toah đã gãy đôi được cắm vào giỏ mả, hai thanh niên nhanh chóng khiêng giỏ mả chạy về phía nhà mồ.
Đoàn người đưa tiễn không đi nữa mà dừng lại. Sau đó mọi người trở về rạp mả, vừa nhấm nháp các loại thịt vừa uống rượu cần, vừa hát điệu hát tâm tình suri budhi atâu, tấu mã la, thổi kèn bầu sarakel… bày tỏ niềm vui vì ma đã được siêu thoát về đoàn tụ với tổ tiên ông bà ở xứ ma; người sống và người chết không còn gì nợ nần với nhau nữa, người vợ có thể lấy chồng khác, người đàn ông có thể lấy vợ khác như một tập tục thống nhất trong vùng đất Raglai. Lễ hội bỏ mả kết thúc khi mọi người đã thấm hơi men ở ché cuối cùng và nằm lăn ra sàn rạp mả mà ngủ cho hết đêm./.