Phụ nữ chuẩn bị đồ xôi và cơm mới
Trước kia, người Mông chỉ gieo cấy một vụ trên nương, nên chỉ làm 1 lần lễ cơm mới, còn nay, nghe theo tiếng gọi của Đảng, người Mông đã định cư, biết làm lúa nước và gieo cấy 2 vụ/năm. Vì vậy, cứ đến mùa lúa chín, nhà nhà lại tổ chức lễ cúng cơm mới. Chỉ khi nào làm xong lễ cúng cơm mới, thì nhà đó mới được ăn cơm gạo mới, nếu chưa làm thì chưa ai được ăn. Để cúng báo tổ tiên, tạ ơn trời đất, mỗi nhà làm vài mâm cỗ mời anh em, con cháu trong dòng họ, hàng xóm láng giềng đến để chia vui cùng gia đình. Đây còn là dịp để các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, đồng thời là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đạo lý, lối sống đúng mực ở đời. Vì thế, dù công việc bận rộn đến đâu, con cháu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về sum vầy cùng gia đình trong dịp này.
Chủ nhà thực hiện nghi lễ cúng
Ngày tổ chức lễ cúng cơm mới, thầy mo quyết định chọn ngày đẹp nhất trong khoảng thời gian lúa chín (vụ mùa thu hoạch). Vào ngày lễ, mâm cúng tổ tiên được đặt giữa nhà để làm lễ ăn mừng cơm mới. Lễ vật gồm cơm gạo mới thu hoạch, thủ lợn, gà, một bát canh và bốn chén rượu. Trong giế đựng cơm mới, chủ nhà cắm rất nhiều chiếc thìa ăn cơm, theo quan niệm mỗi chiếc thìa tương ứng với một người đã qua đời của gia đình. Hương được cắm vào nơi thờ các thần bảo hộ như: bàn thờ, thần cột nhà, thần bếp, thần cửa. Sau khi chủ nhà kết thúc bài cúng cơm mới là đến nghi thức thăm chân gà, đây được coi là một nghi thức quan trọng trong lễ mừng cơm mới. Người Mông ở Sơn La cho rằng, xem chân gà trong lễ mừng cơm mới sẽ dự đoán được vụ mùa trong năm mới của gia chủ. Để thực hiện nghi thức này, chủ nhà phải có lời nhờ người có kinh nghiệm xem giúp.
Lễ mừng cơm mới là phong tục đặc sắc, truyền thống văn hóa lâu đời, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự mong muốn mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng dân tộc./.