Trang phục truyền thống của người Hà Nhì phản ánh rõ nét việc chinh phục và sử dụng thành thạo một số chủng loại thực vật về làm nguyên liệu, công cụ sản xuất, cũng như thuốc nhuộm,… phục vụ cho nhu cầu mặc.
Trang phục và những thuộc tính xã hội
Kỹ thuật sản xuất trang phục của người Hà Nhì thủ công và gắn với hoạt động của từng gia đình trong xã hội. Nó phản ánh nền kinh tế tự túc. Trong bối cảnh đó, trang phục Hà Nhì phản ánh rõ nét sự phân công lao động theo giới trong xã hội – Vai trò quan trọng của phụ nữ Hà Nhì trong việc giải quyết nhu cầu mặc của gia đình, của cộng đồng.
Trang phục Hà Nhì mang tính “xã hội” cao, vì nó không chỉ dừng lại ở những giá trị vật chất thong thường mà còn biểu hiện tư tưởng xã hội của người Hà Nhì. Trong các ngày lễ, tết, cưới xin,…Trang phục không đơn điệu mà mang sắc thái rõ rệt, phản ánh những nhận thức về thẩm mĩ dân gian, tín ngưỡng, đạo đức, ước mơ, khát vọng,…của con người.
Trang phục Hà Nhì còn phản ánh, ghi dấu ấn một trình độ cao về thẩm mĩ dân gian. Nghệ thuật tạo hình trong trang phục, nhất là trang phục phụ nữ là nơi tập trung quan niệm thẩm mĩ, sự hài hòa và là nơi gìn giữ, phản ánh đặc trưng tộc người. Màu sắc và nét hoa văn trên trang phục truyền thống được xử lý tinh tế, hài hòa, không tham mà luôn có sự cân nhắc theo quan niệm thẩm mĩ và tâm lý tộc người. “Đó là sự hài hòa về phong cách tạo hình trong bộ trang phục truyền thống tinh tế, khéo léo và sử dụng hoa văn vừa phải của người phụ nữ Hà Nhì”.
Trong quá trình di cư và cư trú xen kẽ với các thành phần dân tộc khác, người Hà Nhì một mặt vẫn giữ được bản sắc văn hóa của tộc người mình, mặt khác lại vừa tiếp thu những yếu tố văn hóa của tộc người khác, trong đó có trang phục (như kỹ thuật dệt may, màu sắc, nguyên liệu,…). Đó chính là quá trình tạo nên phong cách, nét riêng độc đáo của trang phục Hà Nhì ở Sín Thầu – Mường Nhé – Điện Biên.
Cùng với sự biến đổi về mọi mặt của đời sống xã hội, trang phục truyền thống của người Hà Nhì ở Mường Nhé – Điện Biên cũng có nhiều biến đổi theo.
Nguy cơ mai một văn hóa truyền thống kéo theo sự mất đi hàng loạt các phong tục tập, quán truyền thống tốt đẹp. Cho nên trang phục truyền thống cần được bảo lưu, gìn giữ.
Phụ nữ Hà Nhì chung tay bảo tồn trang phục truyền thống
Thêu thùa, khâu vá là việc thường ngày của phụ nữ, họ tranh thủ mọi thời gian rỗi để thêu, có khi khâu một cái khăn, cái áo, cái quần phải mất nửa năm mới khâu xong. Công việc này do nữ giới đảm nhiệm không có lớp đào tạo mà chỉ học hỏi lẫn nhau hoạc từ người mẹ dạy cho con cái, chị dạy cho em gái.
Các em nhỏ từ 10 đến 11 tuổi đã tập khâu vá và thêu, nếu cái nào không biết thì hỏi mẹ, hỏi chị. Thêu là công việc đòi hỏi sự khéo léo, luyện tập và mất nhiều thời gian mới biết được, cách khâu và đường đi nước bước của nó, phải có trí nhớ tốt mới tập khâu. Vì từ bé các bé gái đã tập khâu nên hầu như ai cũng biết khâu, cho đến khi trưởng thành các cô gái đó là những cô gái có bàn tay vàng, không chỉ tự sắm đồ cho mình mà còn cho gia đình và người thân.
Để mặc được bộ trang phục sao cho đúng cần có sự hướng dẫn của người mẹ người chị. Trước khi mặc áo ngắn thì phải mặc áo dài trước, rồi mặc áo ngắn bên ngoài. Rồi chỉnh lại thân áo cho đẹp. Trước khi vấn khăn đầu thì phải đeo dây thắt khăn trước tiên.
Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng nền văn hóa mới, con người xã hội chủ nghĩa, chúng ta sẽ thiếu sót nếu không tiếp cận với văn hóa cổ truyền, lấy văn hóa cổ truyền dân tộc làm một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng đời sống văn hóa hôm nay và ngày mai. Trong nhịp sống thời đại công nghiệp, con người Hà Nhì (kể cả phụ nữ) không chỉ sống, đóng khung trong bản nữa mà họ đã đi xa khắp mọi miền của đất nước. Mặt khác, lao động công nghiệp đòi hỏi con người phải mặc Âu phục mới phù hợp,..Và người phụ nữ Hà Nhì cần được nghỉ ngơi sau một ngày lao động chứ không thể thức khuya may vá, dệt thêu,…
Vậy có nên chăng chúng ta nên giữ lại các mẫu mã, hoa văn trang trí, các kiểu áo truyền thống kết hợp với chất liệu vải công nghiệp để may trang phục trong các dịp lễ, tết, hội hè,…
Hình thành làng nghề chuyên sản xuất trang phục nói chung, các sản phẩm thổ cẩm nói riêng nhằm tạo công ăn việc làm cho nhân dân lao động.
Sản phẩm thổ cẩm sẽ là mặt hàng bán rất “chạy” trong tương lai trên địa bàn có tiềm năng phát triển như Cửa khẩu A Pa Chải – nơi ngã ba biên giới tại Sín Thầu – Mường Nhé, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, nếu chúng ta biết khai thác lợi thế của nó. Chúng ta vừa giới thiệu sản phẩm địa phương, vừa tạo được một phần thu nhập cho nhân dân nơi đây.
Để giới thiệu cho chúng ta hiểu thêm về giá trị văn hóa trang phục trên nền văn hóa bản địa nơi núi rừng Tây bắc Điện Biên. Để từ đó, cùng với đồng bào người Hà Nhì gìn giữ và trên cơ sở đó phát huy văn hóa trang phục nói riêng và văn hóa Hà Nhì nói chung, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đã bản sắc văn hóa dân tộc./.