Cụm di tích Hải Vân Quan. Ảnh Nguyễn Thành
Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng là đơn vị thường trực, chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan; triển khai công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích, dựng biển giới thiệu và bản đồ khoanh vùng bảo vệ theo hồ sơ di tích; đồng thời, lập Quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân Quan với phát triển du lịch bền vững; tham mưu UBND thành phố việc phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ xếp hạng Hải Vân Quan là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Giao UBND quận Liên Chiểu phối hợp với UBND huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành lập Ban quản lý để lập và triển khai kế hoạch bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ môi trường, phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự để phục vụ cộng đồng và khách du lịch.
UBND thành phố cũng giao Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá hình ảnh, những giá trị di sản văn hóa gắn liền với di tích Hải Vân Quan trên các phương tiện thông tin đại chúng; Sở Du lịch xúc tiến quảng bá hình ảnh và giá trị di tích Hải Vân Quan đến du khách trong và ngoài nước, cũng như tổ chức đào tạo bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng phục vụ khách du lịch cho các hộ kinh doanh tại khu vực đèo Hải Vân.
Hải Vân Quan là một trong những công trình văn hóa, lịch sử có ý nghĩa quan trọng tại khu vực. Trong thời kỳ Triều đình nhà Nguyễn, Hải Vân Quan là công trình tuyến phòng thủ, là một điểm kiểm soát qua lại trên đường thiên lý Bắc-Nam và là điểm kiểm soát tàu bè vào ra ở vịnh Đà Nẵng.
Với vai trò quan trọng này, Hải Vân Quan được xây dựng hệ thống thành quách từ năm 1826 dưới thời Minh Mạng thứ 7. Tuy nhiên, do Hải Vân Quan nằm giữa ranh giới tỉnh Thừa Thuên Huế và Đà Nẵng nên đã có tình trạng thiếu quan tâm, chăm sóc, bảo vệ và tôn tạo nên công trình ngày càng bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng.
Sau thời gian dài bị “bỏ rơi” cuối năm 2016, lãnh đạo 2 địa phương đã đi đến thống nhất lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đối với cụm công trình Hải Vân Quan để cứu công trình này khỏi nguy cơ đổ sụp, hư hỏng./.