Sự chật chội đến ngột ngạt ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh nảy sinh một nhu cầu tất yếu của cư dân muốn chuyển dần sang phía “dễ thở” hơn và đáp ứng nhu cầu đó, các chủ đầu tư, cũng như nhà đầu tư đang ôm tiền về vùng ven khiến thị trường bất động sản khu vực này nóng lên trông thấy.
Theo phân tích cho rằng, trong quý II/2019, thị trường sẽ có những biến động lớn về thanh khoản lẫn giá cả. Sự sôi động đến từ các dự án đang triển khai của Địa Ốc Long Phát, Novaland, Trần Anh Group, Đất Xanh, Phú Đông, Him Lam Land… sớm chính thức mở bán. Đây sẽ là cơ hội lớn để đầu tư cũng như giúp thị trường phát triển mạnh, đa dạng về nguồn cung hơn khi từ trước tới nay thị trường vùng ven chỉ bó hẹp trong phân khúc đất nền, nhà phố.
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư lớn cũng đang đặt ra nhiều tham vọng với thị trường bất động sản vùng ven bằng việc ráo riết săn quỹ đất. Trong đó, Tập đoàn Hà Đô đưa ra kế hoạch thâu tóm quỹ đất lớn trên trục đường Phạm Văn Đồng giáp thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và sẽ ra hàng trong năm 2019. HungThinh Corp cũng đang không ngừng đi tìm quỹ đất và dự án mới tại Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tuy nhiên, Hưng Thịnh khá “kén chọn” khi chỉ nhắm đến những lô đất có quy hoạch và pháp lý đầy đủ để có thể triển khai ngay dự án để mở bán.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cơ hội của bất động sản vùng phụ cận là không thể phủ nhận. Song cơ hội này phải được đầu tư bài bản, phải nghiên cứu, khảo sát nhu cầu từng địa phương, đầu tư theo quy hoạch, pháp lý rõ ràng để từ đó hình thành nên những khu dân cư đáp ứng nhu cầu sử dụng thật và các doanh nghiệp lớn đang làm được điều đó ở thị trường vùng ven bằng những dự án hàng chục ha và đầu tư bài bản từ tiện ích sống tới thu hút người về ở.
Còn kiểu đầu tư như một số doanh nghiệp cứ gom đất nông nghiệp rồi tự phân lô, dụ dỗ người dân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết diễn ra ào ạt gần đây ở một số địa phương. Điều này không những mang lại rủi ro cho khách hàng mà còn phá vỡ quy hoạch của nhiều địa phương.
Ngoài ra, ông Lê Tiến Vũ, Tổng giám đốc Cát Tường Group cho rằng, trong quý IV/2018 và quý I/2019, việc hình thành những điểm nóng mới xung quanh TP. Hồ Chí Minh tạo ra một bức tranh thị trường mở rộng. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những thách thức cho việc hoàn thiện hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông kết nối vùng.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh cần một chiến lược quy hoạch đồng bộ để tạo ra những đô thị vệ tinh, đầy đủ tiện ích. Mặt khác, sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản các tỉnh giáp ranh còn ẩn chứa nhiều rủi ro về biến động giá cả, thậm chí ở một số thời điểm đã xảy ra sốt giá, đẩy thị trường vào trạng thái thiếu ổn định.
“Dù vậy, sự tăng tốc của thị trường bất động sản các tỉnh giáp ranh và một vài địa phương có tính liên kết về hạ tầng giao thông là cơ hội cho các nhà đầu tư, thu hút dòng tiền dịch chuyển từ TP. Hồ Chí Minh và tạo điều kiện an cư cho những người trẻ, gia đình trẻ có thu nhập ổn định và nhu cầu ở thực.
Sự chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản các khu vực nêu trên không chỉ là sự đón đầu mà còn được nhận định như một luồng gió mới đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa ở địa phương, giải tỏa bớt áp lực cho thị trường bất động sản TP.HCM cả về dân số, nhà ở…, đồng thời góp phần hiện thực hóa chiến lược Vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh”, Dia Oc Long Phat cho biết.