Hội nghị là sáng kiến của Triển lãm thế giới EXPO 2017, Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO và được tổ chức bởi Bộ Văn hóa, Thể thao Kazakhstan.
Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Năm quốc tế vì sự phát triển du lịch bền vững 2017 và nhằm thúc đẩy cam kết của ngành du lịch với chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các cuộc thảo luận tại hội nghị đã tập trung vào phương thức thực hiện các biện pháp giảm thiểu và thích ứng của các đơn vị vận chuyển, lưu trú và điểm đến nhằm đáp ứng Mục tiêu phát triển bền vững – đặc biệt là mục tiêu 8 (Nhiều việc làm và tăng trưởng kinh tế), mục tiêu 12 (Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm) và mục tiêu 13 (Hành động vì khí hậu).
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thư ký UNWTO Taleb Rifai nhấn mạnh rằng “Là một trong những ngành kinh tế phát triển nhanh nhất hiện nay, du lịch đóng góp 10% GDP thế giới, 7% xuất khẩu toàn cầu và tạo ra 1 trong mỗi 10 việc làm. Nhưng với sự phát triển đi cùng trách nhiệm, chúng ta cần hợp tác để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người và xây dựng một hành tinh thịnh vượng hòa bình”.
“Du lịch ước tính chiếm 5% lượng khí thải CO2 vào khí quyển toàn cầu. Chúng ta cần tiến tới nền kinh tế xanh thực sự, nơi sự phát triển không đi kèm sự xuống cấp về môi trường và văn hóa”, ông nói thêm.
Ông Askar Mamin, Phó Thủ tướng thứ nhất Kazakhstan cho biết “Du lịch là một trong những ưu tiên của Kazakhstan. Du lịch là động lực thúc đẩy kinh tế xã hội và chúng tôi dự định tăng tỷ trọng GDP du lịch từ 1% lên 8% vào năm 2025”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Kazakhstan Arystanbek Mukhamediuly cho biết “Thủ tướng Kazakhstan đã tuyên bố du lịch là một trong những trụ cột của quá trình hiện đại hóa kinh tế quốc gia”.
Giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và mô hình bền vững là chìa khóa để đảm bảo sự đóng góp của du lịch vào Hiệp định Paris. Hội nghị đã kết luận về sự cần thiết phải:
(1) Bảo đảm cam kết của tất cả các bên tham gia ở cấp quốc gia và địa phương (khu vực nhà nước và tư nhân);
(2) Xây dựng chính sách và chiến lược ở cấp địa phương (thành phố và điểm đến);
(3) Phổ biến kiến thức về cách thay đổi mô hình sử dụng năng lượng để tạo cơ hội đầu tư;
(4) Chuyển sang nền kinh tế xanh, tạo ra công việc xanh, phát triển không đi cùng với việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên;
(5) Chống lại sự thay đổi khí hậu trên toàn bộ chuỗi giá trị du lịch (từ vận chuyển, điểm đến tới ngành dịch vụ khách sạn);
(6) Cải tiến phương pháp quản lý tốt hơn ở cấp độ toàn cầu và quốc gia;
(7) Thích nghi và hành động nhanh chóng vì không có giải pháp “phù hợp với tất cả mọi người”;
(8) Thu hút sự tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm cộng đồng địa phương, nhân viên và khách du lịch nhằm đảm bảo được hưởng lợi ích của tăng trưởng xanh;
(9) Xây dựng mối liên kết với các ngành khác;
(10) Phát triển các sản phẩm du lịch vừa tạo ra lượng cácbon thấp và vừa có thể tạo ra việc làm, đặc biệt đối với phụ nữ và thanh niên.
Hồng Thanh
Lược dịch từ UNWTO