Đội pháo xã Tân Hương (huyện Ninh Giang) chuẩn bị gieo pháo. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)
8 đội gồm Ninh Hòa, Tân Hương, An Đức, Quang Hưng, Nghĩa An (huyện Ninh Giang), Minh Đức, Đại Hợp (huyện Tứ Kỳ) và Đức Xương (huyện Gia Lộc).
Mỗi đội chọn 20 pháo thủ chính thức và 6 pháo thủ dự bị. Mỗi đội tổ chức thi đấu 4 dây pháo, để tranh các giải cá nhân và tập thể ở hai nội dung pháo đại, pháo tiểu.
Theo thể lệ, mỗi pháo thủ chỉ được gieo pháo 1 lần của 1 dây trong một bàn pháo. Ở mỗi dây pháo, mỗi đội chỉ được gieo 20 pháo, mỗi dây pháo thi đấu trong thời gian 45 phút. Pháo gieo xuống bàn pháo phải dài từ 2 thước trở lên (tương đương với 80cm) tính ở hai đầu mép ngoài của manh pháo.
Kết quả, ở nội dung pháo đại, giải Nhất cá nhân dài dây và bền dây 8 thước thuộc về pháo thủ Nguyễn Đình Phùng (đội pháo xã Nghĩa An, Ninh Giang); Nhất toàn đoàn thuộc về đội Nghĩa An (Ninh Giang) với tổng chiều dài các dây pháo là 562,1 thước.
Ở nội dung pháo tiểu, giải Nhất cá nhân dài dây thuộc về pháo thủ Triệu Văn Hân (đội pháo xã An Đức, Ninh Giang); Nhất toàn đoàn thuộc về đội Đức Xương (Gia Lộc) với tổng chiều dài các dây pháo là 438 thước.
Thi pháo đất là trò chơi dân gian đặc sắc có từ lâu đời ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có nhiều địa phương của tỉnh Hải Dương. Hàng năm cứ mỗi độ Xuân về, các dịp tháng Tư, tháng Năm Âm lịch, nhân dân nhiều xã ở các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc lại tổ chức thi pháo đất. Trò chơi này mô phỏng theo nghi lễ cầu mùa, hình thành trong quá trình người Việt chống chọi với thiên tai, địch họa. Dân gian quan niệm, tiếng pháo càng to càng báo hiệu một mùa mưa nắng thuận hòa, cây cối tươi tốt.
Đến nay phong trào chơi pháo đất vẫn còn duy trì thường xuyên ở các xã như Quyết Thắng, Tân Hương, An Đức thuộc huyện Ninh Giang, Minh Đức, Quang Khải thuộc huyện Tứ Kỳ và Đức Xương thuộc huyện Gia Lộc.
Là một trong những hoạt động phần hội của Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc hàng năm, Liên hoan pháo đất tỉnh nhằm khơi dậy và phát huy tinh thần thượng võ dân tộc, tinh thần đoàn kết, rèn luyện sức khỏe cho cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh Hải Dương./.