Theo đó, Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí có hình thức táng cơ bản là mộ chum được phân bổ ở không gian khá rộng từ phía Bắc tỉnh Quảng Bình đến phía Nam tỉnh Bình Thuận, từ triền Đông của dãy Trường Sơn và vươn ra các đảo gần bờ như Phú Quý, Thổ Chu.
Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp lần đầu phát hiện ở Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có khoảng 200 mộ chum. Di tích khảo cổ đó được gọi là Dépot à Jarres Sa Huỳnh (nghĩa là kho chum Sa Huỳnh), niên đại từ 2.000 đến 3.000 năm tập trung chủ yếu ở miền Trung Việt Nam. Trên cơ sở này tỉnh Quảng Ngãi đã lập hồ sơ Di tích Văn hóa Sa Huỳnh và đã được đã được công nhận là di tích văn hóa quốc gia.
Từ đó đến nay đã có nhiều đợt nghiên cứu cũng như các Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả nghiên cứu liên quan đến Văn hóa Sa Huỳnh, xác định được Văn hóa Sa Huỳnh bao gồm quần thể ba điểm di tích khảo cổ Long Thạnh, Phú Khương và Thạnh Đức với khá nhiều hiện vật được tìm thấy có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt, chứng minh Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ có nguồn gốc tính bản địa, hình thành, phát sinh, phát triển ngay trên dải đất miền Trung Việt Nam chứ không phải du nhập từ bên ngoài như các học giả phương Tây ở đầu thế kỷ XX nhận định.
Mặt khác, hồ sơ thuyết minh các di tích Sa Huỳnh đã làm rõ mối quan hệ giao lưu Văn hóa Sa Huỳnh với trung tâm văn hóa khác ở khu vực Đông Nam Á như Đông Sơn, Bản Chiềng và hải đảo Đông Nam Á, chứng minh di tích Văn hóa Sa Huỳnh có những giá trị đặc biệt, đáp ứng tiêu chí để xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Có thể nói rằng, cùng với văn hóa Đông Sơn (miền Bắc), văn hóa Óc Eo (miền Nam), văn hóa Sa Huỳnh (miền Trung) chính là “cái nôi văn minh” xưa tạo thành tam giác văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam./.